Nguy cơ dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Việt Nam

(Dân trí) - Báo cáo sơ bộ về Đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam 2010 cho thấy, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã được cải thiện. Tuy nhiên, nó cũng cảnh báo về nguy cơ dòng vốn FDI có thể dịch chuyển khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Nguy cơ dòng vốn FDI dịch chuyển khỏi Việt Nam - 1
Phần lớn các doanh nghiệp FDI là công ty con thuộc tập đoàn đa quốc gia (ảnh minh họa)
 
Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) cùng Tổng cục Thống kê và Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Báo cáo sơ bộ về Đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam 2010.

Dựa trên khảo sát của gần 1.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (với 57% số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài - FDI) cho thấy, phần lớn doanh nghiệp FDI là các công ty con thuộc Tập đoàn đa quốc gia, còn lại là các doanh nghiệp đầu tư riêng lẻ.

Theo báo cáo này, tuổi đời trung bình của doanh nghiệp trong nước là 18 năm, trong khi đó, ở doanh nghiệp FDI, con số này là 10 năm.

Về lĩnh vực hoạt động, 92% doanh nghiệp trong nước và 97% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế tác, 45 doanh nghiệp xây dựng và 32 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích như nước, môi trường.

Theo nghiên cứu của UNIDO, động lực chính thôi thúc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào công nghiệp Việt Nam là khai thác thị trường và nguồn nhân công rẻ.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, họ dần nhận ra những khó khăn về trình độ nhân lực trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa phần nào bị ảnh hưởng bởi những khó khăn kinh tế.

Chỉ có 8% trong số các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cho biết có ý định mở rộng đầu tư trong vòng 3 năm tới. Con số tương ứng với doanh nghiệp nội là 30%.

Bản khảo sát của UNIDO cũng cho thấy lương của người lao động liên tục tăng trong những năm qua. Việc nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên là cần thiết nhưng tổ chức của Liên hợp quốc cũng khuyến cáo cơ quan quản lý cần có biện pháp để việc tăng lương đi kèm với chất lượng và năng suất lao động.

Cũng tại báo cáo này, cơ quan nghiên cứu ghi nhận hiện tượng các doanh nghiệp tại Việt Nam đang xúc tiến các kế hoạch đầu tư ra nước ngoài (trong đó có 12 doanh nghiệp FDI và 10 doanh nghiệp trong nước).

Theo UNIDO, xu hướng này cho thấy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đã phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, nó cũng cảnh báo về nguy cơ dòng vốn FDI có thể dịch chuyển khỏi lãnh thổ Việt Nam.

LH