Nguồn lực để tăng lương: Giảm biên chế?

(Dân trí) - Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nợ công tăng, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, nhất thiết phải tinh giản biên chế để có nguồn lực cho tăng lương.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Đề cập tới việc tăng lương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay: Việc chúng ta không tăng được lương không phải chỉ tại ngân sách. Ngân sách hiện nay kể cả dừng hết tất cả các thứ khác thì việc giải quyết tiền lương vẫn chưa cơ bản được vì chính bộ máy của chúng ta. Số người hưởng lương từ ngân sách quá lớn. “Chính vì thế, Nghị quyết Trung ương yêu cầu làm rất đồng bộ, sắp xếp lại bộ máy, đội ngũ hưởng lương từ ngân sách. Hiện nay mới bắt đầu làm việc này nên chưa có kết quả rõ nét”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nói.

Tại diễn đàn Quốc hội lần này, việc tinh giản biên chế cũng được nhiều đại biểu đề cập. Trong báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ này cũng thừa nhận tình trạng “dậm chân tại chỗ” trong tinh giản biên chế. “Dù thực hiện Đề án tinh giản biên chế nhưng mục tiêu là từ nay đến năm 2016 về cơ bản số biên chế vẫn giữ nguyên”, Bộ trưởng Nội Vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, nhất thiết phải tinh giản biên chế, bởi nếu chúng ta không giảm được bộ máy cồng kềnh thì đương nhiên nguồn chi thường xuyên sẽ không giảm và nền kinh tế chắc chắn khó khăn.

Tốc độ tăng lương không theo kịp tăng giá.
Tốc độ tăng lương không theo kịp tăng giá.


Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tránh việc cào bằng lương

Việc tinh giản biên chế được nói đến nhiều lần nhưng chúng ta làm chưa được cương quyết. Song tôi cho rằng không chỉ phình bộ máy mà cả việc đánh giá năng lực cán bộ công chức gọi là thi tuyển, cân đong đo đếm nhưng nói thật là chưa thật sát lắm. Tiêu chí đánh giá chỉ là một còn người cán bộ ngoài trình độ năng lực ra còn cần phải có lương tâm với nghề nghiệp nữa. Cái đó mới là quan trọng. Phải đánh giá trên từng con người cụ thể để tránh việc cào bằng lương.

Người làm tốt hai năm tăng lương và người làm trung bình thì phải ba năm tăng lương, không làm được việc không tăng lương chứ không phải cứ đến hẹn lại lên. Như vậy sẽ không phát huy được sự nỗ lực hết mình của những cán bộ có năng lực thực sự.

Và nếu cứ để trình trạng dàn đều như vậy thì thực sự là lãng phí ngân sách. Nếu cứ để dàn trải thì ai cũng tới ngày lĩnh lương, lên lương là không công bằng.

Bây giờ nếu chưa sàng lọc, rà soát hết được thì lấy cơ sở nào để đưa cán bộ ra khỏi biên chế và không trả lương? Chúng ta không đánh giá một cách sát thực thì gánh nặng lương vẫn cào bằng chia đều cho mọi người thì người đáng được nâng lương lại không được nâng, còn người không đáng cũng trong danh sách này.

Cuối cùng là cả hai kéo nhau vào danh sách và không được tăng lương theo đúng lộ trình.

Đại biểu Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội: Nếu sắp xếp, bố trí lại bộ máy hợp lý thì có nguồn tăng lương

Với chính sách tài khóa hiện nay, chính sách thu hiện nay thì nguồn lực để thực hiện điều chỉnh tăng lương là chưa có. Thời gian qua, kinh tế khó khăn, 4 năm liền Chính phủ trình Quốc hội chính sách giảm thu để hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng với đó, tốc độ điều chỉnh tăng lương thấp hơn tốc độ tăng năng suất lao động và tốc độ tăng trưởng GDP. Và do thực tiễn không đạt được tốc độ theo lộ trình tăng trưởng, thu từ sản xuất không đạt nên không đủ nguồn lực được.

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng có ý kiến, nếu không thì phải tăng lương cho các đối tượng thu nhập thấp. Trong quá trình thực hiện, nếu kinh tế xã hội phát triển, nguồn thu tăng, mình có thể đặt vấn đề điều chỉnh nhưng có thể gọi là hỗ trợ. Chứ mình đặt vấn đề tăng lương thì anh cũng có lương, tôi cũng hưởng lương cần được tăng. Còn khi anh lương cao rồi, có thể hỗ trợ cho người lương thấp.

Khi kinh tế đi lên, trong kỳ họp nào đó, Chính phủ trình Quốc hội nhận thấy nguồn thu khá có thể đặt vấn đề hỗ trợ cho người lương thấp. Ví dụ như những người có tiền lương dưới 3.0. Nhưng trước mắt thì chưa thể.

Về đề xuất tinh giản biên chế để lấy nguồn hỗ trợ tăng lương, nhiều đại biểu cũng đã nêu rồi vì đây cũng là vấn đề bức xúc. Bộ máy của mình, người thì nói là đủ, có nhà khoa học nói cứ 1 triệu dân thì có bao nhiêu người làm quản lý thì có người bảo từng đó chưa đủ, nhưng cũng có người bảo bộ máy cồng kềnh. Sắp xếp bộ máy để giảm số người ăn lương thì nguồn lực sẽ dôi ra. Thật sự mà nói chúng ta phải sắp xếp lại bộ máy.

Nếu chúng ta ban hành luật công vụ thì mới dễ, chứ giờ chưa có luật thì không biết anh hoàn thành hay không hoàn thành, khó đánh giá. Ngay trong cơ quan, anh bảo hoàn thành nhưng tôi bảo chưa hoàn thành, tiêu chí chưa rõ. Chúng ta phải có quy định, sự nghiệp thì phải tính vào giá, còn hành chính thì Nhà nước lo, giá dịch vụ để lấy nguồn đó trả lương và ngân sách Nhà nước không phải trả. Hiện nay ngân sách Nhà nước vẫn phải lo cho cả số lượng người này, nếu bây giờ chúng ta sắp xếp lại, bố trí cho hợp lý sẽ thực hiện được.

Đại biểu Phạm Văn Cường, Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch tỉnh Lào Cai: Phải sớm triển khai thực hiện đề án tinh giản biên chế hiệu quả”.

Trong những năm qua, tinh giản biên chế chúng ta chưa làm được. Đặc biệt, Quốc hội lần này cũng đã nêu và đến giờ phút này chưa có Bộ, ngành, tỉnh thành nào được phê duyệt đề án vị trí việc làm. Trên cơ sở đề án này thì ta mới xác định được giảm ở đâu, cơ quan nào, ở bộ ngành trung ương, ở địa phương giảm ở đâu. Trên cơ sở đó ta mới tiết kiệm được chi phí ngân sách cho hành chính mà đã đầu tư thời gian qua. Tôi đề nghị, thời gian tới, các bộ ngành và địa phương phải sớm triển khai thực hiện đề án tinh giản biên chế hiệu quả.

Việc tinh giản cán bộ hiện nay khó khăn, vướng mắc nhất là xác định vị trí việc làm. Chúng ta đã có Đề án vị trí việc làm gắn với công việc, trọng trách từng người được giao và hiệu quả công tác của việc làm được giao để sắp xếp, bố trí tuy nhiên khi áp dụng trong thực tế rất khó xác định.

Quốc hội kỳ này họp mới thảo luận lần đầu về Luật Chính quyền địa phương. Luật này liên quan đến hành chính các cấp. Khi luật được thông qua sẽ áp dụng để tinh giản thế nào, bộ máy cấp tỉnh cần bao nhiêu biên chế, huyện - xã cần bao nhiêu con người.

Tuy nhiên, phải qua năm 2015 thì Luật Chính quyền địa phương xong thì các địa phương mới bắt đầu triển khai từ năm 2016. Còn hiện nay, chúng tôi thực hiện theo chỉ tiêu giao của Chính phủ, gắn với đề án giải quyết việc làm. Biên chế hành chính Nhà nước gần như không tăng.

Còn với Lào Cai, chúng tôi thực hiện theo chỉ tiêu giao của Chính phủ, gắn với đề án giải quyết việc làm. Vấn đề biên chế hành chính Nhà nước gần như không tăng. Tuy nhiên, Lào Cai là vùng cao biên giới, nhu cầu cho giáo dục, đào tạo cũng như ngành y tế, hàng năm, vẫn phải bố trí tăng biên chế cho giáo dục (giáo dục mầm non, tiểu học) và bác sĩ cho vùng sâu, vùng xa. Hiện nay có chỉ tiêu biên chế nhưng không có người đến. Đó là cái bất cập. có những nơi thừa nơi thiếu.

Nguyễn Hiền (ghi)

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”