Nguồn gốc Lễ độc thân 11/11 và cơn sốt mua sắm "ngày đôi"
(Dân trí) - Vào Lễ độc thân 11/11, các thương hiệu lớn, nhỏ tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc ào ạt tung ra các chương trình giảm giá lớn. Thậm chí, có những món đồ giảm giá tới 90%.
Ý tưởng về ngày lễ độc thân 11/11 bắt nguồn từ Đại học Nam Kinh của Trung Quốc vào năm 1993. Vào ngày này, những người độc thân tự thưởng cho mình những món quà và quà tặng, đồng thời tổ chức các buổi họp mặt và tiệc tùng.
Ban đầu, ngày lễ độc thân chỉ nhận được sự hưởng ứng của số ít người nhưng sau đó dần dần được lan rộng. Vào ngày 11/11, những người độc thân thường chọn mua sắm là việc phải làm để khỏa lấp đi sự cô đơn.
Nắm bắt được nhu cầu này, năm 2009, tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, đã thực hiện một chương trình khuyến mại dành riêng cho người độc thân vào ngày lễ độc thân để họ tự do mua sắm.
Với khẩu hiệu ấn tượng: "Cho dù không có người yêu, chí ít chúng ta còn có thể điên cuồng mua sắm", Alibaba đã thành công trong việc kích thích nhu cầu tiêu dùng của hàng triệu người.
Ban đầu, ngày độc thân chỉ là sự kiện mua sắm kéo dài trong một ngày. Tuy nhiên, vài năm gần đây, ngày độc thân đã mở rộng ra thành 3 tuần lễ. Doanh số bán hàng từ livestream đã tăng mạnh, và chiến lược bán hàng đã trải qua sự biến đổi, không chỉ giới hạn ở việc giảm giá mà còn bao gồm nhiều chiến dịch khác nhau.
Kết quả là, doanh thu của Alibaba trong các sự kiện 11/11 liên tục lập kỷ lục mới. Vào ngày 11/11 năm 2018, Alibaba đã khiến những nhà bán lẻ tại Mỹ phải ganh tị khi đạt được doanh số kỷ lục gần gấp đôi doanh thu từ ngày Black Friday và Cyber Monday ở Mỹ trong cùng năm.
Sự thành công của Alibaba đã truyền cảm hứng cho các sàn thương mại điện tử trên toàn thế giới.
Từ ngày 11/11, các sàn thương mại điện tử đã phát triển thành các sự kiện "ngày đôi" ưu đãi hàng tháng. Tương tự như Black Friday tại các quốc gia phương Tây, những "ngày đôi" đã trở thành ngày hội giảm giá khủng với mức ưu đãi có thể lên đến 80-90%.
Năm ngoái, sàn thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc Tmall đã công bố dữ liệu bán hàng vòng đầu tiên cho sự kiện mua sắm lớn này với 20 thương hiệu mỹ phẩm đã đạt doanh thu hơn 100 triệu nhân dân tệ chỉ trong 30 phút.
Năm 2022, tổng giá trị hàng hóa được bán trong mùa mua sắm 11/11 đạt tổng cộng 1.150 tỷ nhân dân tệ, theo dữ liệu từ công ty tư vấn Bain. Con số này cao hơn 4 lần số tiền mà người mua sắm ở Mỹ đã chi tiêu trong tuần lễ Black Friday.
Trong khi Black Friday ở Mỹ thường là lúc người tiêu dùng tìm kiếm các chương trình giảm giá và khuyến mãi tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống thì ngày lễ độc thân 11/11 tập trung chủ yếu vào mua sắm trực tuyến và các ưu đãi lớn từ các nhãn hiệu nổi tiếng,
Những năm trước, người mua sắm Trung Quốc chi nhiều hơn cho các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm bổ sung, vitamin và các sản phẩm chăm sóc thú cưng. Những sản phẩm này dự kiến sẽ tiếp tục có nhu cầu cao trong năm nay, cùng với các sản phẩm tập trung vào quần áo và thiết bị thể thao.
Theo dữ liệu từ công ty tư vấn Bain và từ Adobe Analytics, từ năm 2014 đến năm 2021, lễ độc thân đạt tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 34% hàng năm, so với mức tăng trung bình 17% của tuần lễ Black Friday.