1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nguồn cung khan hiếm đẩy giá vàng SJC tăng mạnh

(Dân trí) - Với xu hướng tăng nhanh và nhiều hơn giảm, tính chung cả tuần này, giá vàng SJC tăng tới 1,25 triệu đồng/lượng. Do nguồn cung khan hiếm, một số nhà đầu tư và tổ chức mua vào (chiếm 40%) khớp lại trạng thái bán trước đó nên đã đẩy giá vàng lên cao.

Lúc hơn 9h sáng nay 22/8, giá vàng SJC tại Hà Nội được một số doanh nghiệp vàng lớn niêm yết giao dịch ở mức 34,9 triệu đồng/lượng (mua vào) - 35,4 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 34,91 triệu đồng/lượng - 35,39 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

Các mức giá này tăng mỗi chiều 100.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Trước đó, mở cửa thị trường sáng nay, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 34,8 triệu đồng/lượng - 35,1 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với lúc đóng cửa thị trường hôm trước.

 

Nguồn cung khan hiếm đẩy giá vàng SJC tăng mạnh - 1

Giá vàng tăng nhanh và mạnh (ảnh minh hoạ).

 

Tại TPHCM, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 34,7 triệu đồng/lượng - 35,6 triệu đồng/lượng, tăng mỗi chiều 200.000 đồng/lượng so với chiều qua.

Với xu hướng tăng nhanh và nhiều hơn giảm, tính chung cả tuần này, giá kim loại quý tăng tới 1,25 triệu đồng/lượng. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp giá vàng tăng mạnh.

Tuần trước đó, ảnh hưởng từ việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá VND/USD từ +-1% lên +-2%, giá vàng đã tăng tổng cộng 1,2 triệu đồng/lượng.  Như vậy, chỉ trong 2 tuần giá vàng miếng SJC đã tăng tới gần 2,5 triệu đồng/lượng.

Cùng với đó, giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 3,85 triệu đồng/lượng.

Phiên hôm qua, giá bất ngờ tăng mạnh, rồi vượt mốc 35 triệu đồng và “chạm” đỉnh 35,45 triệu đồng/lượng lúc đầu giờ chiều. Đây mức cao nhất của giá vàng được ghi nhận kể từ ngày 3/3.

Ở thời điểm tăng giá lần này chủ yếu là do nguồn cung khan hiếm, một số nhà đầu tư và tổ chức mua vào (chiếm 40%) khớp lại trạng thái bán trước đó nên đã đẩy giá vàng lên cao. Nhưng đến gần giờ trưa hôm qua, khi giá vàng thế giới giảm nhiệt thì xuất hiện hiệu ứng bán lại từ khách hàng nhỏ lẻ (chiếm 60%).

Giới quan sát thị trường cũng cho rằng, giá vàng tăng mạnh rồi giảm nhanh sẽ rất rủi ro nếu các nhà đầu tư và người dân có ý định “nhảy sóng”.

Trên thị trường thế giới, đóng cửa phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 7,3 USD, lên 1.160,4 USD/ounce; giá vàng giao tháng 12 cộng 6,4 USD, đạt 1.159,6 USD/ounce - mức cao nhất kể từ ngày 2/7. Tính chung cả tuần, giá vàng tăng khoảng 4%.

Giá kim loại quý tăng bởi đồng USD giảm giá xuống thấp nhất 2 tháng qua.

Chứng khoán toàn cầu ghi nhận tuần tồi tệ nhất trong năm trong khi chỉ số USD xuống thấp nhất 2 tháng sau khi số liệu sản xuất của Trung Quốc làm gia tăng hoài nghi về việc Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng tới.

Theo kết quả khảo sát của hãng Kitco về giá vàng trong tuần tới với sự tham gia của 18 người, trong đó 11 người cho rằng giá sẽ tăng, 4 người nghĩ giá giảm, 3 người còn lại dự báo giá đi ngang. Tham gia khảo sát là các nhà phần tích kỹ thuật, kinh doanh kỳ hạn, thương lái, ngân hàng đầu tư.

 

Trên thị trường ngoại tệ, giá USD cũng có những phiên biến động mạnh trước động thái điều chỉnh tỷ giá và nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Tính chung tuần qua, giá USD tại các ngân hàng tăng tổng cộng gần 440 VND trong tuần, giao dịch bán ra phổ biến là 22.540 VND - 22.545 VND, mua vào ở mức 22.435 - 22.460 VND.

Còn tại thị trường thế giới, đồng USD giảm giá so với đồng euro và yen trong phiên hôm qua, khi các số liệu kinh tế bất ổn làm gia tăng lo ngại về tương lai của lãi suất đồng bạc xanh.

Đồng USD sụt 1,1% so với đồng euro còn 1,1366USD/EUR, hướng đến mức chốt phiên thấp nhất gần 3 tháng.

So với yen Nhật, USD giảm 1,1% xuống 122,13JPY/USD, hướng đến mức chốt phiên thấp nhất kể từ 9/7, sau phiên giảm sút mạnh nhất trong vòng 6 tuần.

 

An Hạ

Nguồn cung khan hiếm đẩy giá vàng SJC tăng mạnh - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm