TPHCM:
Người xuất hiện “phút 89” nói gì về chứng cứ nhận 5 triệu yên trong chiếc loa cũ?
(Dân trí) - Sau khi gửi đơn trình báo đến cơ quan công an, người phụ nữ xuất hiện “phút 89” trong vụ 5 triệu yên cho rằng, chồng bà có thể là chủ sở hữu số tiền, có đầy đủ chứng cứ và đang hoàn tất thủ tục để về Việt Nam hoặc sẽ ủy quyền lại cho bà.
Vụ vợ chồng người mua ve chai phát hiện hơn 5 triệu yên trong thùng chiếc loa cũ đang gây xôn xao dư luận khi sắp đến ngày “phán quyết” số tiền thì bất ngờ bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, quê Quảng Nam, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) gửi đơn đến cơ quan công an trình báo và cho rằng chồng bà, ông Efolayan Caleb (quốc tịch Nigeria) có thể là chủ nhân của số tiền trên.
Trao đổi với PV Dân trí, bà Ngọt đã đưa ra những căn cứ mà bà cho rằng, số tiền hơn 5 triệu yên là của chồng bà. Bà Ngọt khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy số tiền đó mà chỉ nghe chồng bà nói lại là “có cất số tiền khoảng 6 triệu yên trong một cái hộp nhưng nhiều lần chuyển nhà (3 lần) quá không nhớ nổi đã để cái hộp ở đâu”.
“Hiện tôi đã thông báo cho chồng tôi về việc số tiền hơn 5 triệu yên mà người mua ve chai tìm thấy có thể là của ông ấy. Tất cả chứng cứ chồng tôi đang cầm, do bận việc gia đình nên chồng tôi chưa về Việt Nam được, trong trường hợp không thể về, ông ấy sẽ làm ủy quyền cho tôi” - Bà Ngọt khẳng định.
Trước câu hỏi, vậy qua những lần liên lạc với chồng, bà có được chồng cho xem các giấy tờ chứng minh nguồn số tiền hơn 5 triệu yên mà bà cho là của chồng mình hay không?, bà Ngọt nói: “Tôi có hỏi, ông ấy nói tất cả bằng chứng để ông ấy cung cấp hoặc ông ấy sẽ viết ra giấy ủy quyền gửi về và là giấy tường trình gửi qua công an. Cũng chưa biết cụ thể ông ấy về khi nào vì mẹ chồng tôi đang bệnh”.
Cũng theo lời bà Ngọt, tháng 6/2013, ông Efolayan Caleb phải về nước để lo việc gia đình đến nay vẫn chưa trở lại. Đầu tháng 9/2013, khi dọn dẹp nhà, bà Ngọt phát hiện 3 chiếc loa thùng cũ, một số người mua ve chai hỏi mua nhưng bà Ngọt không bán, hai tháng sau, bà Ngọt đem chiếc loa cho ông Phạm Đức Hòa (anh họ của bà Ngọt, ngụ quận Bình Tân).
Cuối tháng 3/2014, bà Ngọt đọc được thông tin về vụ người mua ve chai (vợ chồng chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, tạm trú tại căn nhà trọ trong hẻm 84 Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình - PV) tìm thấy hơn 5 triệu yên Nhật trong thùng chiếc loa cũ thì lập tức gọi điện thoại cho ông Hòa hỏi về cái loa cũ nhưng ông Hòa cho biết đã bán ve chai từ lâu. Nghi ngờ đây là số tiền mà chồng mình từng nhắc đến trước đó nên bà Ngọt làm đơn gửi đến công an quận Tân Bình nhờ xác minh, làm rõ.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Đức Hòa xác nhận mình đã xin loa của bà Ngọt, mang về nhà sử dụng vào khoảng tháng 10/2013. Tuy nhiên, khi cầm về nhà căm điện thì loa không sử dụng được nên ông Hòa để vào góc nhà, khoảng một tháng sau thì vợ ông Hòa thu dọn đem bán ve chai cùng một số vật dụng trong nhà. “Tôi chỉ nghe vợ nói lại là đã bán chiếc loa bị hư chứ không hề mở hay mang ra tiệm sửa chữa gì cả. Bởi vậy nên chẳng biết trong chiếc loa có cái gì. Còn người mua ve chai tôi cũng không nhớ vì lúc đó họ bịt khăn, đội nón che kín mặt” - Ông Hòa khẳng định.
Ông Hòa cũng xác nhận, đầu tháng 4/2015, khi ông đang đi làm tại Bình Thuận thì bà Ngọt gọi điện thoại hỏi cái loa đã cho trước đó. Ông Hòa nói đã bán ve chai từ lâu rồi. Ngày 14/4, sau khi bà Ngọt làm đơn gửi công an, Công an quận Tân Bình cũng đã mời ông đến lấy lời khai và ông nói không biết trong loa có gì.
Liên quan đến vụ việc “phán quyết” số tiền hơn 5 triệu yên, công an quận Tân Bình cho biết, tổ xử lý vẫn đang đợi phía vợ chồng bà Ngọt cung cấp chứng cứ chứng minh là chủ số tiền trên. Do đó, cơ quan công an vẫn chưa thực hiện thủ tục tiếp theo đối với bà Huỳnh Thị Ánh Hồng.
Luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng Luật sư Trường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, do thời điểm bà Ngọt gửi đơn đến cơ quan công an vẫn nằm trong khoảng thời gian “rao” tìm chủ sở hữu của số tiền hớn 5 triệu yên (bà Ngọt gửi đơn đến cơ quan công an ngày 14/4, trong khi ngày hết hạn tìm chủ sở hữu số tiền là 28/4 - PV) nên việc công an gia hạn thêm thời gian để xác minh vụ việc là đúng theo quy định của pháp luật.
Cũng theo luật sư Trường, vợ chồng bà Ngọt phải chứng minh tính hợp pháp của số tiền trên. Cụ thể phải chứng minh được số tiền đó từ đâu mà có, được mang về Việt Nam một cách hợp pháp hay không? Nếu không trực tiếp mang vào mà thông qua phương thức vận chuyển khác như qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng có chức năng thì cũng phải đầy đủ giấy tờ.
“Nếu không chứng minh được số tiền trên, người trình báo có thể bị phạt hành chính về hành vi dùng thủ đoạn gian dối hòng chiếm đoạt tài sản người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 18 Nghị định 73 ngày 12/7/2010 về xử phạt hành chính trong lãnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, theo đó người vi phạm có thể bị phạt từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng” - Luật sư Trường khẳng định.
Trung Kiên