1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Người Việt sùng hàng hiệu thứ ba thế giới

(Dân trí) - Kết quả một cuộc khảo sát người tiêu dùng được công bố mới đây cho thấy, người châu Á - Thái Bình Dương là những người chuộng hàng hiệu nhất thế giới, trong đó Việt Nam xếp thứ ba, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Người Trung Quốc “vô địch” thế giới về sùng bái hàng hiệu
Người Trung Quốc “vô địch” thế giới về sùng bái hàng hiệu

Đây là kết quả cuộc khảo sát trực tuyến người tiêu dùng do hãng Nielsen tiến hành. Theo đó có tới 61% số người được hỏi tại khu vực này tỏ ý sẵn sàng chi tiền cho hàng hiệu.

Trong số 29.000 người được khảo sát tại 58 quốc gia, đi đầu về mức độ sùng bái hàng hiệu là người tiêu dùng Trung Quốc. 74%, tương đương gần 3/4 người tiêu dùng nước này được hỏi sẵn sàng chi thêm tiền để sở hữu các sản phẩm có thương hiệu. Tỷ lệ này ở Ấn Độ và Việt Nam lần lượt là 59% và 56%.

Khi được hỏi liệu họ có bị thu hút bởi những thương hiệu cao cấp, 55% người tiêu dùng châu Á – Thái Bình Dương cho biết họ thích mua sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Trong khi đó tỷ lệ này bình quân trên toàn thế giới chỉ là 47%.

“Việc kinh tế phát triển mạnh tại một số quốc gia châu Á cùng với tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo đã tạo ra một thế hệ người tiêu dùng mới, với thu nhập khả dụng cao hơn”, David Webb, giám đốc điều hành giải pháp quảng cáo tại Nielsen nhận định.

“Rủng rỉnh tiền và sẵn sàng chi tiêu, những người tiêu dùng này đang tìm kiếm các sản phẩm hàng hiệu để khẳng định vị thế xã hội mới của mình. Sự phát triển mạnh của internet và các kênh truyền thông khác, đã khiến khả năng tiếp cận, nhận thức và ham muốn sở hữu các thương hiệu và sản phẩm cao hơn trước đây”.

Khảo sát của Nielsen cũng cho thấy người tiêu dùng châu Á Thái Bình Dương bị quảng cáo ảnh hưởng tới thói quen mua hàng hiệu. Hơn 65% người tiêu dùng tại đây cho biết quảng cáo tác động tới ý thích của họ với một thương hiệu nào đó. Trên toàn cầu chỉ có 55% người được hỏi cho biết quảng cáo ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ.

Người mua sắm tại Hàn Quốc và Philippines là dễ bị quảng cáo tác động nhất, với tỷ lệ lần lượt là 79% và 78% người tiêu dùng cho biết sự yêu thích họ dành cho một thương hiệu xuất phát từ quảng cáo.

Tuy nhiên, khảo sát của Nielsen chỉ theo dõi xu hướng dài hạn về sự mở rộng và mong muốn của tầng lớp trung lưu tại châu Á, mà không thể hiện bao nhiêu trong số khách hàng này thực sự sẵn sàng chi tiền cho hàng xa xỉ.

Hồi tháng trước, hãng tư vấn hàng xa xỉ Bain & Co đã công bố bản báo cáo cho thấy, doanh số hàng xa xỉ trong năm 2013 sẽ tăng chậm hơn nhiều trong bối cảnh tăng trưởng giảm sút tại châu Á, nhất là Trung Quốc.

Cụ thể Bain & Co dự báo doanh số hàng xa xỉ toàn cầu trong năm nay có thể chỉ tăng trưởng 4-5%. So với mức tăng trưởng 10% của năm 2012 và 11% của năm 2011, đây rõ ràng là một sự sụt giảm mạnh.

Trong đó doanh số tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương không kể Nhật Bản, sẽ chỉ đạt mức tăng 10%, chưa bằng một nửa con số 26% của năm ngoái, nếu tỷ giá hối đoái ổn định.

Việc chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực bài trừ tham nhũng đã khiến văn hóa tặng quà tại nước này bị ảnh hưởng lớn, bản báo cáo viết. Và hậu quả là doanh số các mặt hàng quà tặng xa xỉ lao dốc, nhất là cá loại đồng hồ đắt tiền. Thậm chí không ít cư dân mạng Trung Quốc “đang ngày càng dành những từ ngữ tiêu cực cho thói khoe hàng xa xỉ”.

Thanh Tùng
Theo CNBC