iMoney số 16:
Người Việt quản lý tiền kém, làm sao để hết loay hoay với tiền?
(Dân trí) - Không chi tiêu hợp lý, không có kiến thức tài chính và sợ nhắc đến tiền vì sợ nhạy cảm là nguyên nhân chính khiến người Việt, đặc biệt là giới trẻ, loay hoay với tiền, không biết tiêu sao cho đúng.
Giới trẻ loay hoay do không biết "tiêu tiền"
Đầu năm 2018, Đình Nam (27 tuổi, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) đăng ký thực tập tại một công ty xây dựng nhỏ, gần khu vực sinh sống. Đến khi tốt nghiệp đại học, anh kỹ sư quyết định xin ở lại doanh nghiệp làm việc với mức lương khởi điểm 6,5 triệu đồng/tháng.
Nam tự nhận thấy mức lương của mình thấp so với các bạn cùng lớp khi ra trường (thường 8 - 9 triệu đồng/tháng), tuy nhiên, động lực khiến Nam nghĩ mình sẽ gắn bó với công ty là những trường hợp đã làm ở đây trên 10 năm, cố gắng tích cóp đều đã xây được nhà. Hơn nữa, việc làm gần nhà tiết kiệm được chi phí xăng xe, ăn ngoài, lại được gia đình hỗ trợ.
Nam tưởng tượng ra một công việc sáng đi chiều về, làm vài năm có kinh nghiệm rồi sẽ có thêm nhiều nguồn thu khác. Tuy nhiên, việc không biết cách quản lý tài chính khiến những dự định của bạn trẻ sinh năm 1995 càng ngày càng xa rời thực tế.
Chính xác là Nam không có kế hoạch quản lý tài chính cá nhân. Đúng là làm gần nhà thì tiết kiệm được nhiều chi phí, nhưng Nam không tách bạch và để dành khoản đó, cộng với việc cuộc vui nào của công ty cũng tham gia, dẫn đến cứ cuối tháng là Nam lại cần đến một khoản "cứu trợ" từ bố mẹ hoặc bạn bè.
Sau một năm rưỡi đi làm, thanh niên 27 tuổi này không tiết kiệm được đồng nào. Nam nghỉ việc với nỗi thất vọng tràn trề và đi tìm doanh nghiệp trả lương cao hơn. Cuối cùng, Nam trúng tuyển vào một công ty tìm kỹ sư làm dự án dài ngày tại các tỉnh quanh Hà Nội, lương 13 triệu đồng/tháng bao chỗ ở.
Làm dự án đầu tiên kéo dài 1 năm ở Vĩnh Phúc, trung bình mỗi tháng Nam dành ra được 7 triệu đồng. Sau đó, Nam mua một chiếc xe máy cũ giá 35 triệu đồng để cuối tuần về nhà chơi. Dịp Tết năm ấy, bạn trẻ cũng chi tiêu hơi quá tay.
Sang năm 2021, anh chàng kỹ sư phải theo một dự án ở Bắc Giang. Tình cờ, Nam quen và yêu một bạn nữ tại địa phương, điều mà Nam cho rằng là lý do khiến mình không còn tiết kiệm được tiền. Các khoản chi nhiều lên, trong khi thu nhập giữ nguyên và Nam cũng không có bất kỳ khoản đầu tư nào.
Theo Backbase, một công ty Hà Lan chuyên cung cấp nền tảng chuyển đổi số cho các ngân hàng nhận thấy, khoảng 67% người Việt tham gia khảo sát cảm thấy loay hoay về quản lý tài chính. Tỷ lệ này cao thứ hai trong 10 nước châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Thái Lan. Trong khi đó, chỉ có 11% người Việt là lạc quan về tình hình tài chính.
Với nhiều người, thách thức lớn nhất trong quản lý tài chính là tiết kiệm (tỷ lệ 67%). Điều này cũng dễ hiểu cho trường hợp của Nam, đi làm vài năm nhưng không để ra được đồng nào.
Các khó khăn khác bao gồm: "ngập" trong nợ nần (tỷ lệ 62%), dành dụm tiền về hưu (tỷ lệ 48%), cách thức quản lý tiền bạc (tỷ lệ 45%), cách quản lý danh mục đầu tư (tỷ lệ 33%). Trong đó, tỷ lệ người thừa nhận không biết cách quản lý tiền bạc của Việt Nam xếp cao nhất trong số 10 quốc gia được khảo sát.
Bên cạnh đó, 50% người Việt Nam tham gia khảo sát thừa nhận họ không hoàn thành được mục tiêu tài chính của mình và 71% chia sẻ họ thiếu những lời khuyên tài chính đáng tin cậy.
Hiện tại, khoảng 54% người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn những kênh như trang tin, website, ứng dụng trên điện thoại để tìm kiếm các thông tin liên quan đến quản lý tài chính, đầu tư, tiết kiệm hay lập kế hoạch về hưu.
Tương tự, Thái Lan là quốc gia đứng đầu khu vực khi có tới 68% người tham gia khảo sát cảm thấy áp lực đối với việc quản lý tài chính. Trong đó, chỉ có 12% người Thái Lan cho biết là đạt được các mục tiêu tài chính theo kế hoạch.
Một quốc gia Đông Nam Á khác là Malaysia cũng gặp tình trạng tương đồng. Có tới 66% người dân Malaysia tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy mệt mỏi đối với việc quản lý tài chính. Cụ thể, 77% người Malaysia tham gia khảo sát gặp khó khăn trong việc xây dựng các khoản tiết kiệm hay quản lý tài chính cá nhân. Tuy nhiên, 52% người Malaysia tham gia khảo sát cho biết họ cảm thấy sẵn sàng với các tình huống tài chính bất kỳ nào có thể xảy ra.
Tiêu tiền thế nào mới là thông minh?
Chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long cho rằng, người trẻ Việt đang khá yếu kỹ năng quản lý tài chính. Thực trạng trên không chỉ riêng Việt Nam mà xuất hiện ở hầu hết quốc gia đang phát triển khi việc phổ cập, giáo dục về kiến thức tài chính chưa được chú trọng. Trong khi ở các quốc gia phát triển, việc dạy về quản lý tài chính được đưa vào giảng dạy từ sớm.
"Cho đến bây giờ, nhiều người Việt vẫn e ngại mỗi khi nói về tiền và coi đó là điều nhạy cảm. Ví dụ như lúc đi ăn, mọi người thay vì chia đều tiền thì lại tranh nhau trả tiền. Còn trẻ em khi còn nhỏ thì lại không được hướng dẫn quản lý tài chính như hiểu rõ tiền là gì, chi tiêu ra làm sao hợp lý, trong khi ở các quốc gia phát triển điều này được dạy khá kỹ", ông phân tích.
Theo ông Long, những nguyên nhân trên đang đẩy người Việt vào vòng xoáy không quan tâm đến tài chính, không hiểu về tài chính. Về lâu về dài những thói quen, lối sống, công việc không đi kèm với sự minh bạch, rành mạch về tài chính sẽ khiến con người ta mơ hồ về tiền và xa hơn là không kiểm soát được dòng tiền.
"Ở các quốc gia chưa phát triển, việc quản lý tài chính cá nhân chưa phát triển vì cấu phần dành cho lương thực đang chiếm phần lớn. Trước mắt, họ phải lo ăn no nên với chuyện đầu tư, tiết kiệm, phân bổ tài sản thế nào là quá xa vời", ông Long nêu thực trạng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc quản lý tài chính là điều quan trọng, cốt yếu của cuộc sống. Thế nên, đầu tiên mà mọi người cần làm là thay đổi nhận thức, tư duy về tài chính. "Không phải chúng ta trở thành ca sĩ, diễn viên, bác sĩ, kỹ sư là không cần quan tâm về tài chính vì tài chính là nền tảng cho cuộc sống sau này của mỗi người", ông nói.
Theo ông Long, tùy thuộc vào độ tuổi mà cách thức quản lý tài chính sẽ khác nhau. Ví dụ như ở tuổi 40, mọi người kiếm ra tiền nhiều nhưng chi tiêu ít, còn ở tuổi 20 thì ngược lại là nhu cầu nhiều nhưng tiền ít.
"Với độ tuổi 20, các bạn có thể áp dụng công thức 50:30:20. Trong đó, 50% thu nhập dành cho chi tiêu, tôi gọi phần này là Need nghĩa là khoản tiền cần thiết phải dùng hàng ngày để trả tiền nhà, ăn uống, xăng xe. 30% tiếp theo tôi gọi là Want, đây là số tiền dùng cho mục đích mua sắm, giải trí, du lịch. Khoản này là có cũng được, không có cũng được nên bạn hoàn toàn có thể cắt giảm hoặc điều chỉnh sao cho hợp lý. 20% còn lại thì bạn nên dành cho tiết kiệm hoặc đầu tư, nếu có thể hãy đầu tư thay vì để tiền chết", ông nói.
Phân tích thêm, vị chuyên gia này cũng cho rằng, mọi người có thể nâng tỉ lệ tích lũy lên khi độ tuổi gia tăng. Giả sử, khi bạn 20 tuổi thì tỉ lệ tiết kiệm là 20%, 25 tuổi là 25%, 30 tuổi là 30%. Tuy nhiên, cũng có trường hợp là khi bạn 40 tuổi có thể nâng tỉ lệ tiết kiệm lên 70%, điều này phụ thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người. Chung quy lại là dù ít hay nhiều, mọi người nên có khoản tiết kiệm, tích trữ.
Theo ông Long, mọi người muốn quản lý tài chính đúng cách thì cần có mục tiêu lâu dài và có phương pháp khoa học. Đầu tiên, mỗi người cần lập kế hoạch về tài chính, nếu điều này thực sự khó khăn thì có thể tham gia các khóa học. Thứ hai là mọi người phải có tính kỷ luật, ở đây là việc nâng tỉ lệ tích lũy đều đặn qua các năm và phải hình thành quỹ tiết kiệm trước khi chi tiêu. Thứ ba là luôn có ý thức về tài chính, quản lý tài chính ở mọi lúc mọi nơi và trong mọi hoàn cảnh.
Đặc biệt, ông Long còn nhấn mạnh, việc quản lý tài chính sẽ giúp mọi người có tâm lý và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Quản lý ở đây không phải là bủn xỉn, keo kiệt mà là chi tiêu khoa học hơn để có cơ hội giúp đỡ được người khác khi bạn có sức khỏe tài chính tốt.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính cá nhân Trần Nhật Nam nhận thấy, hiện nay, giới trẻ có 2 xu hướng cất giữ tiền: Thứ nhất là cứ tiêu tiền trước còn bao nhiêu thì tiết kiệm sau. Thứ hai là chia tiền thành các phần, tùy theo nhu cầu sử dụng rồi mới chi tiêu.
"Nếu được chọn, tôi sẽ khuyên mọi người chọn cách thứ 2 vì cách này sẽ kiểm soát được dòng tiền. Mọi người hãy trích ra 10 - 20% thu nhập hàng tháng tiết kiệm còn đâu mới chi tiêu, nếu dành ra được 30% thì càng tốt", ông khuyến cáo.
Tuy nhiên, theo ông Nam, việc phân chia dòng tiền chỉ là bài toán cộng trừ ban đầu. Bước tiếp theo mọi người cần làm chính là thực hiện bài toán nhân chia để tiền đẻ ra tiền. Với 10 - 20% tích lũy hàng tháng, mọi người hoàn toàn có thể mang đi đầu tư. "Giả sử, bạn làm ra 10 triệu đồng/tháng và mỗi tháng cất đi 2 triệu đồng thì sau 5 tháng, bạn đã có 10 triệu đồng. Với số tiền trên, bạn có thể gia nhập thị trường chứng khoán, gửi tiết kiệm hay mua trái phiếu, miễn sao để tiền đẻ ra tiền", ông phân tích.
Ngoài ra, ông Nam cũng khuyến cáo các bạn trẻ là hãy đầu tư từ số tiền bản thân có không nên đi vay tiền để đầu tư. Lý giải về nhận định trên, vị chuyên gia cho biết, có nhiều người trẻ vì ham kiếm tiền nhanh đã bất chấp vay nợ để đầu tư mà không tìm hiểu thị trường. Vì đầu tư là việc không dễ dàng, không thể "ăn xổi" mà cần học hỏi, trau dồi kiến thức qua năm tháng.