Người Việt dự kiến tiêu thụ 4 tỷ lít bia trong năm 2017

(Dân trí) - Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong năm 2016, sản lượng bia các loại của cả nước đạt 3,786 tỷ lít, tăng 9,3% so với năm 2015 và con số này dự báo sẽ nhanh chóng tăng lên 4 tỷ lít trong năm 2017.

Việt Nam trong vài năm trở lại đây vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bia lớn nhất châu Á.
Việt Nam trong vài năm trở lại đây vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bia lớn nhất châu Á.

Thông tin mới đăng tải từ Bộ Công Thương cho thấy, vào cuối năm 2016, Việt Nam đã chính thức lọt vào Top 10 thị trường lớn nhất thế giới xét về dung lượng bia tiêu thụ. Theo tính toán, năm 2017, thị trường bia Việt Nam sẽ cán mốc tiêu thụ 4 tỷ lít.

Trong năm 2016, sản lượng bia các loại của cả nước đạt 3,786 tỷ lít, tăng 9,3% so với năm 2015. Tính ra trung bình mỗi người dân Việt tiêu thụ khoảng 42 lít bia mỗi năm, tăng khoảng 4 lít so với năm ngoái.

Trong số này, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đóng góp 1,640 tỷ lít - tăng 7,4%, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đạt 717,4 triệu lít - tăng 2,1%; riêng khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm Heineken, Carlsberg và một số thương hiệu khác đạt 1,428 tỷ lít - tăng 15,7% so với năm 2015.

Theo quy hoạch, ngành bia đặt mục tiêu đến năm 2020, cả nước sản xuất 4,1 tỷ lít bia, đến 2035 sản xuất 5,5 tỷ lít bia. Theo một thống kê, trong năm 2015 ước tính sản lượng bia đạt 3,4 tỷ lít, tăng 40,72% so với năm 2010 (2,416 tỷ lít).

Mặc dù sản lượng bia tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây nhưng theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA), Việt Nam không phải là quốc gia tiêu thụ Bia nhất thế giới.

Chủ tịch VBA cho hay, với doanh thu toàn ngành Rượu, Bia, Nước giải khát xấp xỉ 5 tỷ USD trong năm 2016, thị trường nước giải khát của Việt Nam được coi là khá hấp dẫn với nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh, hiện tiêu thụ bia của Việt Nam chỉ đứng thứ 50 trên thế giới và đây cũng là mức trung bình, không phải quá đột biến.

Tuy nhiên, với mức tiêu thụ hàng tỷ lít bia mỗi năm, Việt Nam trong vài năm trở lại đây vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bia lớn nhất châu Á. Theo cơ quan nghiên cứu ngành bia Canadean, lượng bia tiêu thụ tại Việt Nam chỉ sau Hàn Quốc và Nhật Bản tại Châu Á, với mức tăng trưởng kép hàng năm trong 10 năm qua là 6,4%. Lý do khiến một nước đang phát triển như Việt Nam trở thành thị trường lớn đối với bia là thức uống này được đặc biệt ưa chuộng tại đây, chiếm đến 94% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn.

Giới phân tích cho rằng, thị trường bia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ dân số trẻ và thu nhập tăng. Với dân số có tuổi trung bình là 30 tuổi và kinh tế tăng trưởng mạnh, dự báo, sản lượng ngành bia Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tăng trưởng 4%-5%/ năm.

Hiện phần lớn thị phần bia Việt Nam là do bốn doanh nghiệp lớn nhất thị trường thống lĩnh. Trong đó, Habeco, Hue Brewery (do Carlsberg sở hữu 100%) và Sabeco lần lượt là các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường miền Bắc, Trung, và Nam; trong khi Heineken NV dẫn đầu phân khúc cao cấp. Khoảng 10% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài còn tương đối mới như Sapporo và AB InBev, và các doanh nghiệp khác trong nước như Masan Brewery.

Phân khúc cao cấp vừa túi tiền tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm qua, với thương hiệu Saigon Special của Sabeco và đặc biệt là thương hiệu Tiger của Heineken NV. Trong khi đó, Carlsberg duy trì được thị phần nhờ vị thế vững chắc tại miền Trung, còn Habeco mất dần thị phần do không thành công tại phân khúc cao cấp trong khi tiếp thị và xây dựng thương hiệu kém.

Các doanh nghiệp nước ngoài mới gia nhập thị trường như Sapporo và AB InBev vẫn chưa đạt được kết quả đáng kể. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp này đang tích cực thực hiện tiếp thị khiến cạnh tranh tại các thành phố lớn trở nên gay gắt.

Phương Dung