Người Việt có thật sự muốn thêm quốc tịch nước ngoài?

“Sự nở rộ của các công ty tư vấn định cư nước ngoài đã khiến số đông lầm tưởng rằng ngày càng có nhiều người Việt muốn rời khỏi Việt Nam, nhưng sự thật không phải như vậy”, ông Trần Văn Tỉnh, Chủ tịch HĐQT IMM Group cho biết.

Hiện nay, có rất nhiều người Việt sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để tham gia các chương trình nhập cư Mỹ, Úc, Canada hoặc châu Âu. Hiện tượng này khiến không ít người nghĩ rằng một bộ phận người Việt đang có xu hướng rời bỏ quê hương. Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Tỉnh, thực tế người Việt vẫn xem đây là một cuộc đầu tư và mục tiêu họ nhắm đến là những lợi ích đi kèm thẻ thường trú chứ không hẳn là việc di cư ra nước ngoài.

Người Việt có thật sự muốn thêm quốc tịch nước ngoài?
Ông Trần Văn Tỉnh, Chủ tịch IMM Group Việt Nam, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, di trú thương mại từ năm 2005.

Theo ông thì sự nở rộ của các dịch vụ tư vấn định cư Mỹ, Úc, Canada,… có phải là dấu hiệu cho thấy nhiều người đang có ý định từ bỏ Việt Nam?
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:


Nói từ bỏ Việt Nam thì theo tôi là hoàn toàn không đúng. Theo thống kê, tôi thấy nhiều người thường chọn các chương trình định cư Canada, Úc, Mỹ, châu Âu… với mục đích đầu tư giáo dục cho con là chính. Cha mẹ nào cũng muốn cho con mình học tập ở những môi trường tiên tiến như vậy. Thế nhưng, việc đi du học tự túc vừa tốn kém về mặt tài chính mà cơ hội vào những trường top đầu lại rất mong manh. Tôi lấy ví dụ đơn giản là các trường công lập hoặc đại học danh tiếng của Mỹ như Harvard, Yale luôn ưu tiên 90% cơ hội học tập cho người bản xứ, sau đó 10% còn lại sẽ chia đều cho những học sinh xuất sắc trên toàn thế giới. Cơ hội vào những trường này của du học sinh Việt Nam sẽ càng thấp hơn. Tuy nhiên, nếu có thẻ thường trú thì con cái sẽ được ưu tiên vào các trường này với mức ưu tiên như người bản xứ.

Chưa hết, thay vì phải bỏ ra 50.000 USD mỗi năm để đóng tiền học phí, con cái của thường trú nhân sẽ được miễn phí trường công từ tiểu học đến THPT, riêng đại học thì học phí tương đương người bản xứ. Chỉ tính sơ như vậy cũng đủ thấy thẻ thường trú giúp người Việt tiết kiệm được nhiều chi phí như thế nào. Theo thống kê của công ty tôi thì đến 80% khách hàng vẫn đi đi về về Việt Nam sau khi có thẻ thường trú. Việc kinh doanh và tài sản ở Việt Nam vẫn duy trì bình thường. Có người sẵn sàng bỏ luôn thẻ thường trú vì không sống đủ thời gian bên đó, nhưng con cái thì vẫn đủ điều kiện hưởng phúc lợi như bình thường.

Để cho con cái có được những cơ hội tốt như vậy, nhà đầu tư Việt Nam thường phải đánh đổi những gì, thưa ông?

Vấn đề này còn tùy thuộc vào điều kiện của từng quốc gia. Ví dụ như Mỹ thì yêu cầu đầu tư tối thiểu 500.000 USD vào một dự án đúng luật tại Mỹ và tạo ra 10 việc làm cho người bản xứ. Đối với Úc thì phải đầu tư tối thiểu 1.500.000 AUD vào chính phủ hoặc lập một dự án kinh doanh khả thi, đúng với kinh nghiệm của họ ở Việt Nam. Quan trọng nhất là họ phải đạt đủ điểm theo thang điểm di trú, với các yếu tố như học vấn, trình độ ngoại ngữ, số năm kinh nghiệm quản lý, tổng giá trị tài sản,… và chứng minh tính hợp pháp của nguồn tiền. Canada cũng tương tự, có chương trình đầu tư 800.000 CAD cho chính phủ hoặc cam kế mở một doanh nghiệp và vận hành nó trong một khoảng thời gian nhất định. Châu Âu thường yêu cầu đầu tư một khoản tiền vào các quỹ của chính phủ hoặc mua bất động sản. Ví dụ trường hợp của Bồ Đào Nha thì chỉ cần mua bất động sản với trị giá tối thiểu 500.000 EUR thì họ đã được thẻ thường trú rồi.

Những điều kiện ông vừa nói có vẻ rất dễ dàng với nhiều người, nhất là những người có tài chính mạnh?

Nhìn thì có vẻ vậy nhưng thực ra không dễ dàng chút nào. Đơn cử như việc chứng minh 500.000 USD vốn đầu tư là hợp pháp theo luật của Mỹ cũng là một quá trình hết sức nhọc nhằn. Nguồn gốc của số tiền phải đi sâu nhiều bậc chứ không đơn thuần dừng lại ở việc chứng minh 500.000 USD có được từ việc bán nhà hay cha mẹ cho tặng. Rồi báo cáo thuế, cấu trúc nội bộ của công ty Việt Nam cũng khác so với chuẩn bên kia nên để làm một bộ hồ sơ hoàn chỉnh, đủ sức thuyết phục Sở Di trú các nước thì phải mất rất nhiều thời gian. Một bộ hồ sơ mất 3-4 tháng để hoàn thành là bình thường, có khi mất cả nửa năm vẫn chưa xong. Nhiều người đủ tiền, thậm chí dư tiền đầu tư nhưng không đủ điều kiện. Hoặc bản thân họ thấy điều kiện quá khó nên nản lòng và bỏ cuộc.

Vậy ông có nghĩ nếu việc đầu tư như thế này ngày càng phát triển thì tiền Việt Nam có dần chảy ra nước ngoài hay không?

Cũng không hẳn vậy. Như tôi đã nói, hầu hết người Việt Nam vẫn duy trì việc kinh doanh ở Việt Nam ngay cả khi đã có thường trú nhân nước ngoài. Nhiều khách hàng chia sẻ với tôi rằng Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư tốt và dễ làm ăn hơn các quốc gia phát triển. Ở các nước này, rất khó để người Việt Nam khởi nghiệp lại từ đầu. Tuy nhiên, họ có thể dùng thẻ thường trú nhân để hỗ trợ tốt hơn việc kinh doanh nếu lĩnh vực đó có liên quan đến xuất nhập khẩu hay những thương vụ mang tính quốc tế.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới thì năm 2013, lượng kiều hối chảy về Việt Nam đạt gần 11 tỷ USD, xếp thứ 9 trên thế giới và chỉ đứng sau một số nước lớn như Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ. Lượng kiều hối này tăng lên phần lớn là nhờ những người có hai quốc tịch hoặc Việt kiều đã di cư trước đó đầu tư ngược về Việt Nam, chuyển tiền cho người thân ở Việt Nam,… Con số này tương đương 10% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam, đóng góp rất lớn vào việc phát triển kinh tế, ổn định tỷ giá và dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Nếu như chúng ta đứng ở góc độ này thì việc người Việt Nam có thêm thẻ thường trú nước ngoài lại làm tăng ngoại tệ cho Việt Nam chứ không phải mất đi.

Vậy theo ông, các chương trình di dân thế này sẽ dễ hơn hay khó hơn trong tương lai?

Tất nhiên là sẽ ngày càng khó hơn. Nguyên nhân vì lạm phát khiến đồng tiền mất giá nên một số nước buộc phải tăng điều kiện đầu tư. Chẳng hạn như Úc và Canada vừa tăng số tiền lên gấp đôi, riêng Mỹ cũng có nhiều kiến nghị tăng điều kiện lên gấp đôi nhưng chưa được áp dụng. Nhu cầu ngày một nhiều, phần lớn là dân Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và một số nước châu Âu khác cũng khiến chương trình bị bóp chặt lại. Hiện tại, mỗi năm Canada đều có hạn mức hồ sơ cho từng chương trình, một số cái trong đó đã hoàn toàn đóng cửa. Úc thì tăng điều kiện về đầu tư tài chính, các diện tay nghề cũng bị siết chặt hơn. 

Điều đó có nghĩa số người Việt đủ điều kiện đầu tư định cư sẽ ngày càng ít hơn?


Cũng không hẳn như vậy. Từ lúc Việt Nam có luật thuế thu nhập cá nhân vào năm 2009 và sau khi gia nhập WTO thì hệ thống kinh doanh cũng như các luật của nước ta cũng ngày một rõ ràng. Các doanh nghiệp cũng cấu trúc báo cáo tài chính và vận hành doanh nghiệp một cách bài bản hơn trước nên khả năng người Việt chứng minh được tài chính, kinh nghiệm theo yêu cầu của bên kia cũng tăng. Tiêu chuẩn tăng nhưng chất lượng hồ sơ cũng tăng nên không hẳn số người đủ điều kiện sẽ giảm xuống.
 
Xin cảm ơn ông!

K.Hoàng
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”