1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Người trồng rau sẵn sàng nhổ bỏ nông sản để... dập dịch

(Dân trí) - Dịch Covid-19 khiến HTX Đông Vinh (TP Vinh, Nghệ An) mất 80% thị trường tiêu thụ, mức bán lẻ cũng dè dặt. Dù vậy người trồng rau vẫn sẵn sàng nhổ bỏ, miễn sớm dập được dịch.

Người trồng rau sẵn sàng nhổ bỏ nông sản để... dập dịch - 1
80% thị trường tiêu thụ của HTX rau Đông Vinh (xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An) là các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn. Dịch Covid-19, hàng quán buộc phải đóng cửa nên rau ở đây không có đầu ra.

HTX Đông Vinh (xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An) có 28ha trồng rau màu các loại với gần 700 lao động, chuyên cung ứng rau xanh cho các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn thành phố Vinh và 1 phần chợ đầu mối nông sản Vinh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng quán trên địa bàn đóng cửa theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nên lượng rau tiêu thụ của HTX giảm đến 80%.

9h sáng, bà Hoan (HTX rau Đông Vinh, xã Hưng Đông, TP Vinh, Nghệ An) mới ra đồng. Hôm nay, rau nhập cho các chủ hàng ở chợ đầu mối Vinh khó hơn bởi lượng tiêu thụ giảm sút. Gắng bán lẻ thêm ít bó nhưng sức mua chậm, bà Hoàn đành gửi các chị em tiểu thương bán hộ còn mình về để kịp trồng mấy luống rau cải.

Người trồng rau sẵn sàng nhổ bỏ nông sản để... dập dịch - 2
Rau quá lứa không thể tiêu thụ được nông dân nhổ bỏ cho gà hoặc vứt đi.

“Từ hôm Chính phủ cho đóng cửa hàng, quán ăn để phòng dịch Covid-19, lượng tiêu thụ rau giảm mạnh. Bình thường, cứ trung bình mỗi ngày tôi cung cấp cho các nhà hàng khoảng 1,5 tạ rau xanh thì hôm nay chỉ bán được tầm 1/10 thôi, chủ yếu là bán cho chợ đầu mối nhưng giá cũng thấp lắm. Rau cải từ 3.500-4.000/bó nay được 1.000 đồng, rau mùi thì chỉ còn 2-300 đồng/bó” - bà Hoan cho hay.

Trồng xong luống rau mới, bà Nguyễn Thị Thìn (xóm Đông Vinh) đi nhổ bỏ một phần diện tích xà lách đã quá lứa, ra ngồng như rau cải về cho gà ăn. Hàng quán đóng cửa, bà chỉ bán được khoảng 20% sản lượng rau trồng được, chủ yếu là bán lẻ ở chợ đầu mối và chợ gần nhà.

Người trồng rau sẵn sàng nhổ bỏ nông sản để... dập dịch - 3
Theo bà Hoan, lượng rau ít ỏi tiêu thụ được cũng bị sụt giảm giá so với trước đây.

“Khó khăn chung của cả nước, mình thiệt hại ít rau thế này thì ăn thua gì. Tôi nói với các con, Chính phủ kêu gọi thì ta chung sức, mọi hôm bán được rau thì ăn thịt, ăn cá, không bán được rau thì ăn cơm nước mắm, dịch mới chết chứ ăn kham khổ vài hôm không chết được đâu. Thời gian này cả nhà thắt chặt chi tiêu, cố gắng thắt lưng buộc bụng, giảm mọi chi phí sinh hoạt ở mức tối đa”, bà Thìn cho hay.

Người trồng rau sẵn sàng nhổ bỏ miễn dịch Covid-19 sớm được khống chế

Bỏ dở mấy luống rau cải đến kỳ thu hoạch vì không thể đi bán lẻ, trong khi các nhà hàng ngừng hoạt động, chợ đầu mối sức mua kém, chị Ngô Thị Lam sang làm cỏ cho luống rau xà lách. Theo tính toán của chị Lam, số rau này tầm 13 ngày nữa sẽ cho thu hoạch, vừa đúng thời điểm hết thời gian cách ly xã hội mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành.

Người trồng rau sẵn sàng nhổ bỏ nông sản để... dập dịch - 4
Bà Thìn: "Ăn cơm nước mắm, rau nhổ vứt đi cũng vui vẻ nếu dập được dịch Covid-19!"

“Sau dịch, nhu cầu rau chắc chắn sẽ tăng mạnh do các nhà hàng hoạt động trở lại. Phải đi tắt, đón đầu để vào thời điểm đó có rau mà bán, không để bị động, rau khan hiếm dẫn tới giá tăng cao”, chị Lam tính toán.

Toàn bộ chi tiêu sinh hoạt gia đình bà Hoan đều trông vào 4 sào đất trồng rau, mùa nào rau nấy. Hiện số rau đến kỳ thu hoạch nhưng giá sụt giảm, không bán được đành để quá lứa, nhổ bỏ cho gà ăn.

Người trồng rau sẵn sàng nhổ bỏ nông sản để... dập dịch - 5
Chị Ngô Thị Lam chăm sóc xà lách chờ hết thời hạn cách ly xã hội với hi vọng khống chế được dịch, nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại.

Hai luống rau mầm không có nơi tiêu thụ, tiếc tiền, ông Ngô Duy (chồng bà Hoan) kỳ công ngồi tỉa thành từng hàng để mong khi hết thời hạn cách ly xã hội rau cũng đã kịp lớn, có thể gỡ gạc được phần nào vốn liếng, công chăm sóc.

Ông bà cũng đang tính đến phương án mua thêm lưới chống nóng để chuẩn bị cho vụ sản xuất rau khi mùa hè sắp tới.

Người trồng rau sẵn sàng nhổ bỏ nông sản để... dập dịch - 6

Ông Ngô Duy: Thu nhập bị giảm sút, nói không buồn thì không đúng vì công sức, mồ hôi của mình đổ ra cả nhưng bị thiệt hại mà nhà nước dập được dịch thì chúng tôi sẵn lòng.

“Nhà nước mình làm mạnh tay như vậy để chống dịch, tôi đánh giá là rất cần thiết. Người dân chúng tôi thu nhập có bị giảm sút, nói không buồn thì không đúng vì công sức, mồ hôi của mình đổ ra cả nhưng bị thiệt hại mà nhà nước dập được dịch thì chúng tôi sẵn lòng. Mong tình hình dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, đẩy lùi để người dân sớm quay lại ổn định sản xuất, sinh hoạt” - ông Duy cho biết.

Hoàng Lam