Người tiêu dùng không còn ai nghĩ đến ăn chỉ để no, để ngon mà là để khỏe

Việt Đức Ip Thiên

(Dân trí) - Hai doanh nhân Nguyễn Lâm Viên, Phan Minh Thông có cùng quan điểm doanh nghiệp nông nghiệp Việt phải phải đầu tư mạnh vào chế biến sâu, hướng đến cung cấp sản phẩm nông sản giá trị cao cho thị trường.

Tại bàn tròn chia sẻ về việc phát triển doanh nghiệp nông nghiệp tại diễn đàn Mekong Connect 2021 tổ chức ngày 17/12, Chủ tịch Công ty Cổ phần Vinamit Nguyễn Lâm Viên nêu quan điểm hiện tại người tiêu dùng "không còn ai nghĩ đến chuyện ăn chỉ để no hay ăn để ngon mà là ăn để khỏe", nhất là sau đại dịch vừa qua. 

Do đó, ngành nông nghiệp phải thúc đẩy nghiên cứu, chế biến nông sản theo hướng ngày càng xanh, sạch hơn. Theo doanh nhân gắn với thương hiệu "vua mít", nếu không đầu tư vào lĩnh vực bảo quản, chế biến, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp.

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phúc Sinh, người được mệnh danh là "vua hồ tiêu" của Việt Nam cũng thừa nhận nếu chỉ xuất khẩu thô, không đầu tư mạnh vào chế biến, người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Việt sẽ không nhận được giá trị xứng đáng dù nông sản Việt Nam được nhiều thị trường công nhận rất tuyệt vời, có nhiều sản phẩm đứng hàng đầu thế giới về quy mô sản lượng.

Theo ông Thông, không chỉ chế biến nông sản để xuất khẩu, người tiêu dùng trong nước cũng xứng đáng được tiêu thụ các sản phẩm ngon hơn, tốt hơn, sạch hơn. Ông cho rằng việc quan tâm, đầu tư mạnh vào thị trường nội địa 100 triệu dân chính là con đường mang lại sức mạnh cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Người tiêu dùng không còn ai nghĩ đến ăn chỉ để no, để ngon mà là để khỏe - 1

"Vua tiêu" Phan Minh Thông (giữa) và "vua mít" Nguyễn Lâm Viên (ngoài cùng bên phải) tại buổi tọa đàm ngày 17/12 (Ảnh: Ip Thiên).

Thừa nhận xu hướng làm nông sản hữu cơ, chế biến sâu là xu hướng tất yếu nhưng "vua mít" Nguyễn Lâm Viên thừa nhận để làm được không hề đơn giản. Theo ông, nguồn nhân lực là vấn đề thách thức đầu tiên. Người trẻ sẵn sàng tiếp cận các phương pháp sản xuất mới nhưng không phải ai cũng dễ dàng thay đổi. 

"Một cánh đồng cỏ đang lên nhiều, chỉ cần dùng thuốc phun là xong. Không phải ai cũng muốn suy nghĩ giải pháp khác, vất vả hơn, tốn tiền hơn. Vì vậy, cần những nhà khoa học thì nông nghiệp mới thay đổi được", ông Viên chia sẻ. 

Theo ông chủ Vinamit, sau Covid-19, xu hướng tiêu dùng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe ngày càng tăng. Hiện tại ở nhiều nước, việc truy xuất nguồn gốc tìm thông tin của cả nơi chế biến chứ không chỉ vùng nuôi trồng. Trong bối cảnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, ông Viên cho rằng ngành nông nghiệp phải tìm cách để chủ động thích ứng. 

Người tiêu dùng không còn ai nghĩ đến ăn chỉ để no, để ngon mà là để khỏe - 2

Các đại biểu tham dự diễn đàn Mekong Connect ngày 17/12 (Ảnh: Ip Thiên).

Còn ông Thông tư vấn các doanh nghiệp làm nông nghiệp nên đầu tư vào công nghệ càng sớm càng tốt. "Vua tiêu" chia sẻ trong giai đoạn khủng hoảng vì Covid-19 xảy ra vừa qua, công ty của mình vẫn có thể hoạt động vững vàng nhờ những nền tảng công nghệ được đầu tư từ sớm giúp việc kết nối với đối tác, nông dân được duy trì bền vững.

Một điểm quan trọng khác theo ông Thông là" quản trị minh bạch, thuê các công ty kiểm toán báo cáo tài chính ngay từ khi quy mô công ty còn nhỏ. Đây là điều kiện tiên quyết để ngân hàng có thể tin tưởng vào hoạt động của doanh nghiệp để cấp tín dụng.  

"Công ty của tôi có hạn mức tín dụng 1.000 tỷ đồng, đến 90% là tín chấp. Các ngân hàng không hề thiếu tiền, quan trọng là mình phải có tư duy rõ ràng, minh bạch để gặp được nhau", ông Thông đưa ra lời khuyên với các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm