Người ta sống không phải bằng lương
Lương 60 - 70 triệu đồng/tháng không có gì là cao đối với một chuyên gia, bởi vì đơn giản họ là một chuyên gia.
Lương của Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí mà chỉ trên 65 triệu đồng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực chỉ hơn 61 triệu đồng… là quá thấp. Cho nên, lãnh đạo các tập đoàn đều kêu than khó sống là đúng. Với địa vị xã hội như họ, làm sao có thể chi tiêu cho bản thân và gia đình chỉ với 60 - 70 triệu đồng trong một tháng. Thật là một chính sách lương rất không công bằng.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, đúng ra, lương của họ phải đạt khoảng 200 - 300 triệu đồng/tháng.
Lương thấp, khó sống, không công bằng, nhưng có một điều rất lạ, là người ta tranh nhau để nhận cái chức vụ lương thấp và bị đối xử đầy bất công đó. Để lên được chức giám đốc thôi chứ chưa nói đến các chức vụ tổng giám đốc, chủ tịch tập đoàn các DNNN hoàn toàn không đơn giản, có người phải tranh giành, đấu đá, thậm chí chạy chọt. Vậy thì vì cái gì? Không vì tiền thì vì cống hiến, vì hy sinh cho đất nước ư?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói chắc như đinh đóng cột: “Tôi tin, kể cả khi hạ lương “cứng” của họ xuống 10 - 20 triệu đồng/tháng thì cũng sẽ không có ông giám đốc tập đoàn nào xin từ chức đi làm việc khác để có mức lương xứng đáng hơn. Bởi không phải ngẫu nhiên, cách tính lương của ta bị coi là chả giống ai và người Việt Nam bị thế giới coi là không sống bằng lương mà sống bằng lậu”. Một phân tích quá hay, quá đúng với thực tế.
Và cũng tin chắc rằng, cho dù không trả lương cho người giữ chức vụ lãnh đạo các công ty, tập đoàn DNNN, thì người ta vẫn tranh nhau, vẫn đấu đá đến cùng để nhận các chức vụ đó. Sự thực này không thể chối cãi, và chính nó nói lên một sự thật khác: “lậu mới cao”.
Không chỉ đối với chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, nhiều chức vụ lãnh đạo khác, cho dù lương thấp và kể cả không có lương, người ta vẫn tranh nhau để làm. Bởi vì đơn giản một điều, người ta sống và làm giàu không phải bằng lương.