1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Người Mỹ lỗ 9.000 tỷ USD vì chứng khoán

Nhật Linh

(Dân trí) - Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đã "thổi bay" hơn 9.000 tỷ USD giá trị tài sản của các hộ gia đình Mỹ trong 6 tháng đầu năm nay.

CNBC dẫn dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang (Mỹ) cho biết, tính đến cuối quý II, tổng giá trị nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp và các quỹ tương hỗ của người Mỹ chỉ còn 33.000 tỷ USD, giảm so với mức 42.000 tỷ USD hồi đầu năm.

Với việc các chỉ số lớn trên thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh hơn kể từ đầu tháng 7 và việc đầu tư vào trái phiếu lỗ nặng, giới chuyên gia cho biết tổng thiệt hại từ thị trường tài chính của người Mỹ có thể từ 9.500 tỷ USD đến 10.000 tỷ USD.

Người Mỹ lỗ 9.000 tỷ USD vì chứng khoán - 1

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đã "thổi bay" hơn 9.000 tỷ USD giá trị tài sản của các hộ gia đình Mỹ (Ảnh: Reuters).

Sự sụt giảm này, theo các nhà kinh tế, có thể đã sớm lan rộng ra khắp nền kinh tế, gia tăng áp lực cho bảng cân đối thu chi của người Mỹ và có khả năng tác động đến chi tiêu tiêu dùng. Ông Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, cho rằng khoản thua lỗ trên thị trường chứng khoán có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Mỹ gần 0,2% trong năm tới.

Theo ông, nếu thị trường chứng khoán tiếp tục thua lỗ thì nó sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng tới.

Do sở hữu lượng cổ phiếu lớn, những người giàu có đang hứng chịu tổn thất lớn nhất. Theo Fed, nhóm 10% người giàu nhất nước Mỹ đã mất hơn 8.000 tỷ USD trên thị trường chứng khoán trong năm nay, khiến tài sản của họ sụt giảm 22%. Riêng giới tỷ phú, chiếm 1% dân số, thiệt hại hơn 5.000 tỷ USD tài sản trên thị trường chứng khoán.

Mức thua lỗ này là sự đảo ngược so với thời kỳ tăng trưởng tài sản lớn và đột ngột sau đại dịch khi tài sản chứng khoán của người Mỹ tăng gần gấp đôi từ mức thấp 22.000 tỷ USD vào tháng 3/2020 lên 42.000 USD vào cuối năm 2021. Phần lớn sự giàu có đó thuộc về 10% người giàu nhất nước Mỹ, những người đang sở hữu 89% cổ phiếu, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán đã khiến chênh lệch giàu nghèo giảm nhẹ trong năm nay. Tính đến quý II, 1% người giàu nhất nước Mỹ sở hữu 31% tài sản hộ gia đình trên toàn quốc, giảm so với mức 32,3% hồi đầu năm. Tỷ lệ nắm giữ tài sản của 10% người giàu nhất cũng giảm từ 69% xuống 68%.

Tuy nhiên, người Mỹ vẫn thu lợi nhờ giá nhà đất tăng. Trong 6 tháng đầu năm, tài sản nhà đất của người Mỹ đã tăng thêm 3.000 tỷ USD lên 41.000 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận từ nhà đất chỉ bù đắp được 1/3 khoản lỗ chứng khoán. Trong khi đó, với việc lãi suất thế chấp tăng lên sau khi Fed liên tục tăng lãi suất điều hành, giá nhà đất ở nhiều nơi có khả năng đi xuống hoặc nguội lạnh.

Vấn đề đặt ra là sự sụt giảm của thị trường chứng khoán sẽ tác động ra sao đến chi tiêu tiêu dùng của người Mỹ. Theo CNBC, cho đến nay, rất ít dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng giàu có cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, một số cho biết "hiệu ứng tiêu cực về tài sản" - thuật ngữ chỉ sự sụt giảm về tài sản dẫn đến sự suy giảm về chi tiêu, có thể sớm bắt đầu ảnh hưởng, nếu thị trường tiếp tục đi xuống.

Ông Zandi ước tính thua lỗ chứng khoán ở Mỹ có thể làm giảm 54 tỷ USD chi tiêu tiêu dùng trong năm tới. Tuy nhiên, ông cho rằng, hiệu ứng tài sản từ chứng khoán đã nhỏ hơn so với trước đây, do giới nhà giàu tích lũy được tài sản đáng kể trong đại dịch.

"Do lượng tiền tiết kiệm quá lớn nên họ sẽ không cần phải thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm hơn khi tài sản chứng khoán của họ bị sụt giảm", ông nói.

Theo CNBC