Người dùng quay lưng với lồng đèn Trung Quốc

“Cuộc chiến” giữa lồng đèn Việt và lồng đèn Trung Quốc vẫn còn tiếp diễn.

Thời điểm này thị trường lồng đèn phục vụ cho mùa Trung thu đã bắt đầu nhộn nhịp. Ghi nhận tại nhiều tuyến đường, khu phố lồng đèn như Ngô Nhân Tịnh (quận 6), Kim Biên, Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)… cho thấy lồng đèn Việt chiếm ưu thế hơn so với lồng đèn Trung Quốc (TQ).

Thích mua lồng đèn Việt

Đối với lồng đèn Việt, ngoài sản phẩm truyền thống làm bằng giấy kiếng với hình ngôi sao, các con thú như bướm, cá, chim còn có lồng đèn làm bằng nhựa, làm bằng mút… Giá lồng đèn Việt cũng khá đa dạng, như loại làm bằng giấy xếp nhỏ 35.000 đồng, loại lớn 65.000 đồng.

Chủ một cửa hàng ở đường Ngô Nhân Tịnh (quận 6) cho hay từ hai năm nay bà không còn bán lồng đèn TQ mà chỉ bán lồng đèn Việt. “Nghe nhiều người than phiền nhựa dùng để làm lồng đèn TQ độc hại. Hơn nữa, sản phẩm dễ bị chập mạch, hư mạch và khi hỏng thì rất khó sửa, không có đồ thay thế nên tôi quyết định ngưng kinh doanh lồng đèn TQ” - bà giải thích.

Chủ cửa hàng CT tại đường Hải Thượng Lãn Ông cũng cho biết mấy năm trước cửa hàng này có bán nhiều loại lồng đèn TQ nhưng nay không còn bán loại lồng đèn này. Lý do là lồng đèn Việt bây giờ mẫu mã khá đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn, giá cả cũng “mềm” chứ không còn cao chót vót như trước đây. Chẳng hạn, loại lồng đèn thương hiệu Kỹ Thuật Mới có rất nhiều mẫu mới với hình ảnh quê hương, nhân vật lịch sử, các nhân vật phim hoạt hình. Giá các loại lồng đèn này dao động 25.000-30.000 đồng/cái tùy loại.

“Bây giờ khi mua lồng đèn, người tiêu dùng hỏi kỹ lồng đèn đó là của Việt Nam hay TQ rồi mới quyết định mua. Khi tôi giới thiệu đây là lồng đèn Việt họ mới chịu mua” - chủ cửa hàng CT nói.

Về phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Thúy Hằng, nhà ở quận 5, nói chị không mua lồng đèn TQ vì nghe tin nhiều sản phẩm của nước này bị phát hiện có chất độc hại và chất liệu để làm lồng đèn cũng có hại cho sức khỏe của bé. Còn lồng đèn Việt gần đây chịu thay đổi mẫu mã, có loại lắp ráp mang tính sáng tạo nên con nít thích.

“Cách nay không lâu, trường của bé tặng đồ chơi, khi mang về nhà phát hiện đó là hàng TQ nên chúng tôi đã bỏ ngay vô thùng rác” -  chị Hằng chia sẻ.

Người dùng quay lưng với lồng đèn Trung Quốc - 1

Người tiêu dùng chọn mua lồng đèn Việt vì sợ hàng TQ độc hại. Ảnh: Tú Uyên

Đối phó hàng nhái

Các doanh nghiệp cho rằng hiện nay lồng đèn Việt chiếm khoảng 80% thị phần. Tuy vậy, khi các cơ sở trong nước vừa tạm chiếm lĩnh được thị phần thì lại phải chật vật đối phó với lồng đèn giả, lồng đèn nhái của TQ.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ Thuật Mới Huỳnh Văn Khánh cho hay ngoài 30 mẫu cũ từ năm ngoái, năm nay công ty tung ra thị trường khoảng 100 mẫu mới với nhiều chủ đề như tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, các con vật ngộ nghĩnh, búp bê…  Đặc biệt, công ty đã thiết kế lại cán lồng đèn để đảm bảo an toàn hơn cho trẻ thông qua việc đầu tư khuôn mẫu mới, dùng đèn LED sáng hơn, tiết kiệm pin, trẻ em có thể chơi liên tục được khoảng 5-6 giờ. “Chúng tôi xác định vấn đề an toàn cho trẻ phải đặt lên hàng đầu. Do vậy trước khi tung ra thị trường, sản phẩm đã được đăng ký chứng nhận hợp quy và được cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng, độ an toàn, không độc hại… Về nhạc, công ty cũng mua bản quyền ba bài hát Việt ” - ông Khánh nói.

Tuy vậy, ông Khánh than phiền năm ngoái ông phát hiện nơi làm nhái, làm giả lồng đèn của công ty. Sau đó báo cho một số cơ quan chức năng nhưng cuối cùng thì “đâu cũng vào đó, không có cách nào trị được”.

Một đơn vị khác là Công ty Mỹ Thuật Gia Long cũng tung ra thị trường 17 mẫu lồng đèn mới cùng với 47 mẫu cũ. Theo bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, Giám đốc công ty, lồng đèn không chỉ để vui chơi giải trí mà còn phải mang tính trang trí đẹp mắt và giúp tăng tính sáng tạo của trẻ. Chẳng hạn, với lồng đèn lắp ráp công chúa, công ty dùng đèn LED giúp tiết kiệm pin, có các phụ kiện đi kèm như vòng tay, vương miện, có mô hình trang trí… giúp trẻ em sáng tạo khi chơi.

“Nhưng vấn đề nan giải hiện nay khiến doanh nghiệp đau đầu là hàng nhái. Sản phẩm khi tung ra thị trường thường bị nhái rất dữ. Người bán tráo hàng khi mua cán của TQ gắn qua lồng đèn của công ty và ngược lại. Đối tượng làm nhái và làm giả đặt nguyên vật liệu, scan, đồ lại, photoshop… y chang của công ty nên rất khó phân biệt. Bất kỳ sản phẩm nào ra công ty đều đăng ký bản quyền hết song cái khó là họ copy y chang sản phẩm của mình” - bà Hồng than thở.

Để đối phó với tình trạng bị làm giả, làm nhái, các doanh nghiệp cho hay họ đã làm nhiều cách như cố gắng sáng tạo mẫu mã mới liên tục để kẻ làm giả không kịp copy. Song nếu không có sự ra tay quyết liệt của các cơ quan quản lý để dẹp hàng giả, hàng nhái thì doanh nghiệp rất khó khăn.

Mua đồ chơi TQ vì ít hàng Việt

Anh Việt, chủ cửa hàng đồ chơi ở Tân Phú, chỉ tay vào bộ đồ chơi nấu ăn của Việt Nam, nói: “Đồ chơi Việt mẫu mã không sánh nổi hàng TQ. Chưa kể nhiều mặt hàng Việt Nam không sản xuất được nên buộc người tiêu dùng phải mua hàng TQ để dùng. Chẳng hạn, trẻ con xem phim, tivi thấy đồ chơi siêu nhân, đồ chơi zô zô… thì đòi bố mẹ đi tìm mua đúng đồ chơi đó nhưng tìm hàng Việt không có nên đành mua hàng TQ”.

Một số chủ cửa hàng khác cũng cho hay tuy lồng đèn Việt đã chiếm thế thượng phong trên thị trường nhưng lồng đèn TQ vẫn chưa “chết” hẳn. Do vậy, lồng đèn Việt cần phải tiếp tục cải tiến để bắt mắt hơn, giá rẻ hơn, nhiều chức năng hơn nữa… thì mới hạ gục hoàn toàn hàng TQ.

Có thể bỏng tay

Các công ty cho biết chất lượng nhựa sử dụng để làm lồng đèn TQ là nhựa tái sinh, chất lượng nguyên vật liệu làm là hàng thấp cấp, không đảm bảo an toàn cho trẻ. Cán đèn TQ dễ bị chạm mạch có thể gây bỏng tay nếu nóng quá.

 

Theo Tú Uyên
Pháp luật TPHCM

 

Người dùng quay lưng với lồng đèn Trung Quốc - 2