Bình Dương mua trạm BOT rồi xoá bỏ: Lời ăn, lỗ Nhà nước chịu?

(Dân trí) - "Quan điểm của tôi là đã là dự án BOT, bước cuối cùng mới để Nhà nước tham gia mua lại, không thể có chuyện lời thì ăn, lỗ thì Nhà nước chịu được. Tôi không hoan nghênh đều đó. Nếu tỉnh nào có mua lại dự án BOT bằng nguồn tiền ngoài ngân sách, các trạm thì cần phải công khai giá mua, xác định phải kiểm toán độc lập dự án để các bên biết rằng: dự án đó, Nhà nước mua lại có lợi cả trước mắt và lâu dài".

Đây là chia sẻ của một số chuyên gia kinh tế với PV Dân Trí xung quanh việc tỉnh Bình Dương vừa mua lại 1 trạm thu phí BOT tại địa bàn tỉnh này, rồi xóa đi, giao cho một DN để đầu tư, xây dựng cho người dân đi mà không thu phí.

Dư luận đang có nhiều thông tin khác nhau về việc tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí BOT để người dân đi không thu tiền
Dư luận đang có nhiều thông tin khác nhau về việc tỉnh Bình Dương mua lại trạm thu phí BOT để người dân đi không thu tiền

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, về thuần túy nên ủng hộ chủ trương mua lại dự án, mua lại trạm BOT để tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), người dân.

Ông Thanh nhấn mạnh: "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương bỏ tiền để mua lại dự án và trạm BOT. Tuy nhiên, phải thỏa mãn các điều kiện, thứ nhất là con đường đó phải đảm bảo chất lượng; thứ hai là trong quá trình mua lại, cần xác định rõ đó là tiền ở đâu, nếu là ngân sách thì cần có kiểm toán, hạch toán tổng vốn đầu tư, hiệu suất sử dụng vốn của dự án này".

"Giới vận tải Bình Dương rất phấn khởi vì việc này đã làm giảm chi phí gánh nặng cho bản thân doanh nghiệp. Mặc dù nó làm gia tăng chi ngân sách, nhưng việc thu về được tiền thuế, kinh tế phát triển và đi lại của người dân thuận tiện hơn thì đâu cũng vào đấy cả. Thời gian qua, quá nhiều trạm BOT khiến dân và DN rất bức xúc, một việc cụ thể của Bình Dương là điều chúng ta nên biểu dương về tinh thần, còn cách thức thực hiện, theo tôi nên chặt chẽ, đôi bên cùng có lợi", ông Thanh hào hứng nói.

Vị Chủ tịch hiệp hội vận tải nói thêm: "Hiện mô hình nhà nước mua lại dự án hoặc trạm BOT là chuyện đã diễn ra ở Trung Quốc vài năm trước. Khi nhà nước thiếu tiền, họ xây dựng cơ chế huy động tư nhân, doanh nghiệp hoặc xã hội hóa đóng góp. Khi thỏa thuận được, Nhà nước mua lại, đứng ra khai thác để người dân chịu phí rẻ hơn. Trường hợp tại Bình Dương cũng là một hình thức được phép trong quy định hợp đồng BOT, PPP".

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế (đề nghị dấu tên), việc mua lại dự án BOT không phải là cách tốt bởi nếu kiểm soát không tốt việc sẽ dẫn đến Nhà nước phải chi ngân sách nhiều hơn. Trong khi đó, thời gian qua, rất nhiều dự án đã bị dư luận, báo chí và Bộ ngành "tố" khai khống tổng mức đầu tư quá lớn so với thực tế.

"Nếu tổng vốn đầu tư bị khai vống lên nhiều so với thực tế; DN khai thác không hiệu quả, bán lại cho Nhà nước thì chẳng khác nào chúng ta mua phải hàng "ế" với giá đắt gấp mấy lần so với ngân sách bỏ ra đầu tư. Quan điểm của tôi là đã là dự án BOT, bước cuối cùng nếu xác định nguy cơ làm tăng nợ xấu lớn cho hệ thống mới để Nhà nước tham gia mua lại, không thể có chuyện "lời thì DN ăn", "lỗ thì Nhà nước chịu được". Tôi không hoan nghênh điều đó vì nó làm nảy sinh tiền lệ xấu", vị chuyên gia này phân tích

"Nếu tỉnh có mua lại dự án BOT bằng nguồn tiền ngoài ngân sách, các trạm thì cần phải công khai giá mua, xác định phải kiểm toán độc lập dự án để các bên biết rằng: dự án đó, Nhà nước mua lại có lợi cả trước mắt và lâu dài. Một khi DN đã bỏ công sức đầu tư, chỉ trong thời gian ngắn không dại gì họ bán lại cho Nhà nước cả vì DN nào khi triển khai dự án, cũng có tính lợi ích cho mình", vị chuyên gia nói thêm.

Trước đó, như Dân Trí đã đưa tin UBND tỉnh Bình Dương đã mua lại Trạm thu phí An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) từ Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương. Sau đó, tỉnh này bàn giao lại tuyến đường cho Tổng công ty Becamex IDC (trực thuộc UBND tỉnh) nâng cấp, mở rộng tuyến đường mà không thu phí.

Trao đổi với PV Dân Trí (ngày 16/9), ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho rằng: "Tỉnh bỏ tiền ra mua trạm thu phí mà không phải lấy từ ngân sách của Trung ương thì rất hoan nghênh. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguồn ngân sách địa phương để mua trạm thu phí BOT từ đâu ra? Không phải anh có tiền là anh muốn làm gì thì làm".

Nguyễn Tuyền