Người chăn nuôi “nơm nớp” sợ thức ăn chứa chất cấm
Bộ luật Hình sự sửa đổi, ngoài quy định xử phạt hành chính, buộc tiêu hủy, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi còn bị phạt tù. Thịt heo bị nuôi bằng chất cấm không còn là nỗi lo riêng của người tiêu dùng mà đang trở thành sự ám ảnh với người chăn nuôi.
“Ma trận” chất cấm trong thức ăn chăn nuôi
Sabutamol một loại nguyên liệu được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu phục vụ cho mục đích sản xuất dược phẩm. Trong mấy năm qua, ít nhất 9 tấn dạng chất này được nhập vào Việt Nam nhưng thực tế chỉ có khoảng 9kg được chứng minh sử dụng đúng mục đích, số còn lại đã bị các công ty dược “tuồn” phi pháp để sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm tạo nạc và tăng trọng.
“Ma trận” thịt heo chứa chất cấm đang bủa vây người tiêu dùng khi cơ quan chức năng phanh phui hàng loạt vụ sai phạm. Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, trong năm 2015 đơn vị này đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an tiến hành trinh sát 20 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi thì phát hiện 80% doanh nghiệp có sử dụng chất tạo màu vàng ô và salbutamol trộn lẫn trong thức ăn chăn nuôi.
Tại TPHCM, chỉ trong hai tháng đầu năm 2016 hàng loạt vụ vận chuyển, giết mổ heo chứa chất cấm bị phát hiện. Bà Đặng Thị Tuyết, Phó trưởng phòng Thanh tra Chuyên ngành Chi cục Thú y cho biết: qua kiểm tra 345 lô heo sống vận chuyển từ các tỉnh đến chuẩn bị giết mổ, Chi cục đã phát hiện 32 lô dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta Agonists.
Người chăn nuôi “nơm nớp” lo sợ
Trao đổi với phóng viên bên lề buổi tọa đàm “Người tiêu dùng và nỗi lo an toàn sức khỏe từ thực phẩm” (ngày 31/3 tại TPHCM), ông Nguyễn Văn Hai, chủ trang trại nuôi heo thuộc huyện Hóc Môn bày tỏ lo lắng: “Chúng tôi là nông dân, chỉ biết mua cám heo bán trên thị trường về chăn nuôi chứ làm sao biết được trong thức ăn có chất cấm hay không.”
Còn ông Huỳnh Văn Thành (chủ trang trại tại Củ Chi) hoang mang: “Bản thân tôi luôn muốn làm ăn chân chính, cung cấp nguồn thịt sạch ra thị trường nhưng nếu mua phải thức ăn chứa chất cấm thì tôi và gia đình cũng sẽ bị vạ lây. Ngoài việc bị tịch thu cả trang trại heo, buộc tiêu hủy, bị xử phạt, chúng tôi còn có nguy cơ vướng vào vòng lao lý nếu không tự chứng minh được đó là sự vô tình hay cố ý.”
Dù cơ quan chức năng tuyên bố từ các cuộc thanh kiểm tra vừa qua đã không phát hiện chất cấm ở các cơ sở thức ăn chăn nuôi lớn. Thực tế cho thấy thì có thể do đoàn thanh tra tập trung kiểm tra các tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn và uy tín ở các khu vực chăn nuôi trọng điểm. Vì hiện trên thị trường vẫn tràn lan các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt ở khu vực phía Bắc vẫn trộn chất cấm để bán cho người nông dân.
Bản thân người chăn nuôi cũng phải tự ý thức để đảm bảo tài sản của mình, nên chọn mua cám sạch của các công ty uy tín. Hiện đã có một vài doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi uy tín cũng đã tiên phong trong cuộc chiến chống chất cấm bằng việc đảm bảo nghiêm ngặt chất lượng cám từ khâu nguyên liệu đầu vào đến quy trình sản xuất cam kết cung cấp nguyên liệu sạch.
Một số thương hiệu thức ăn chăn nuôi như PROCONCO, ANCO đã in hẳn tem kiểm nghiệm “không chất cấm” lên bao bì cám sau khi có các kết quả kiểm tra từ các trung tâm kiểm nghiệm như một cam kết chắc chắn dành cho người tiêu dùng và ngành chăn nuôi.
Ông Lee Meng Hong, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của hai thương hiệu này cho biết từ giữa năm 2015 ANCO và PROCONCO đã ra mắt sản phẩm cám bổ sung hệ men tiêu hóa Bio-zeem, hỗ trợ tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất và tăng cường hệ miễn dịch cho heo. Ông cho biết nếu cho heo ăn đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng, đặc biệt là các axit amin, vitamin và chất khoáng… sẽ giúp heo mau lớn và nhiều nạc. Người chăn nuôi có thể tiết kiệm 6% lượng thức ăn, heo xuất chuồng sớm hơn khoảng 2 tuần so với dùng cám thông thường.
Song Sơn