1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Nghiên cứu, thí điểm và sử dụng tiền ảo: Chuyên gia kiến nghị tên gọi mới

Hoàng Dung

(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) là xu thế tất yếu và đề nghị nên gọi là tiền kỹ thuật số, tiền điện tử.

Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) trong giai đoạn 2021 - 2023.

Theo quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ sẽ đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (Big Data) tạo điều kiện sớm triển khai các công nghệ số tiên tiến trong Chính phủ số.

Trao đổi với Dân trí, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế nhận định, việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain) là xu thế tất yếu. Hiện nay, trên thế giới có khoảng 68 ngân hàng trung ương đã và đang nghiên cứu loại tiền này, đặc biệt, một số ngân hàng đã phát hành.

"Trước mắt, chúng ta phải nghiên cứu kỹ lưỡng về đồng tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành. Thứ hai là đánh giá tác động của đồng tiền này đối với kinh tế, xã hội. Thứ ba là kinh nghiệm quốc tế. Thứ tư mới là đề xuất, triển khai thực hiện ở Việt Nam ra sao"- ông nhấn mạnh.

Theo ông Lực, chúng ta không nên gọi đó là tiền ảo mà nên gọi là tiền kỹ thuật số của quốc gia hay tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành để tránh gây nhầm lẫn.

Còn theo TS Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, việc nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo là đúng đắn, phù hợp với xu thế trên thế giới. Ở một số quốc gia như Trung Quốc, Campuchia, EU đã nghiên cứu, thí điểm và thử nghiệm.

Đồng thời, ông cũng đánh giá cao chủ trương thí điểm tiền ảo của Chính phủ, vì việc này sẽ giúp giảm bớt thanh toán truyền thống bằng tiền mặt, từ đó giảm bớt các chi phí về in ấn, kiểm kê, bảo quản, vận chuyển. Thứ hai là kiểm soát tốt hơn các vấn đề tiêu cực, chống nạn rửa tiền.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, khái niệm "tiền ảo" trong Quyết định 942 của Chính phủ nên thay là tiền kỹ thuật số, tiền điện tử. Bởi theo ông, về mặt học thuật, gọi như thế là không sai nhưng dễ khiến người dân hiểu nhầm sang các loại "tiền ảo" gây tác động tiêu cực gắn với các dự án lừa đảo mà các cơ quan truyền thông đã phản ánh.

Nghiên cứu, thí điểm và sử dụng tiền ảo: Chuyên gia kiến nghị tên gọi mới - 1

Khái niệm tiền ảo, được dịch ra từ "virtual money" (Ảnh: Reuters).

Hiện nay, khái niệm tiền ảo, được dịch ra từ "virtual money". Trong đó, những loại tiền số được tạo ra bởi công nghệ blockchain như: bitcoin, etherum... được giới đầu tư tài chính quan tâm nhất. 

Vài năm trở lại đây, đầu tư tiền ảo, ngoại hối là những hình thức đầu tư mới được rất nhiều người chú ý.

Tuy nhiên, các hoạt động này hoàn toàn tự phát và chưa được Nhà nước cho phép. Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định, bitcoin và các loại tiền ảo khác hoàn toàn không phải là tiền điện tử, không được thực hiện chức năng của đồng tiền pháp lệnh ở Việt Nam.

Trước đó, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo được thành lập theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020.

Hiện nay, Tổ đã bước đầu triển khai công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm