Nghiên cứu độc lập về thuốc lá nung nóng cho kết quả ra sao?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nghiên cứu độc lập từ nhiều quốc gia cho thấy, thuốc lá nung nóng (TLNN) giảm đáng kể hàm lượng các chất gây hại và các bệnh lý so với thuốc lá truyền thống.

Tuy nhiên, các bằng chứng này chưa thể khẳng định tuyệt đối về khả năng giảm tác hại của TLNN do cần thời gian dài để đánh giá. Cho tới nay vẫn chưa có đầy đủ các bằng chứng cho thấy TLNN độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống.

Dữ liệu về thuốc lá nung nóng tại các nước

Năm 2017, Ủy ban Tư vấn Độc chất học (COT) nghiên cứu nguy cơ độc tính của TLNN so với thuốc lá điếu để làm cơ sở cho Bộ Y tế Anh đánh giá mức độ tác động tới người dùng. Từ kết quả thí nghiệm cho thấy hàm lượng các chất gây hại trong khí hơi của TLNN đã giảm đáng kể từ 50% - trên 90% so với khói thuốc lá điếu, COT kết luận rằng TLNN có thể ít gây hại đáng kể so với thuốc lá truyền thống.

Nghiên cứu độc lập về thuốc lá nung nóng cho kết quả ra sao? - 1

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Liên bang Đức về Đánh giá Rủi ro (BfR) năm 2017 cũng cho thấy TLNN có tỷ lệ giảm đáng kể đối với hàm lượng aldehyd (80-95%) và hợp chất hữu cơ bay hơi (97-99%) so với thuốc lá điếu. BfR kết luận hàm lượng các chất có khả năng gây ung thư trong TLNN giảm đáng kể so với thuốc lá điếu.

Nghiên cứu độc lập về thuốc lá nung nóng cho kết quả ra sao? - 2

Cùng năm 2017, tại Nhật Bản, TLNN được Viện Nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe Cộng đồng nghiên cứu về tác hại của việc hút thuốc thụ động so với thuốc lá điếu. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp của WHO đối với thuốc lá (WHO TobLabNet Official Method SOP) để đánh giá nhóm các hợp chất có hại trong khói thuốc lá điếu và khí hơi TLNN.

Kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ nicotine giữa 2 sản phẩm là tương tự. Còn nồng độ nitrosamin của TLNN chỉ bằng 1/5 lần và nồng độ CO bằng 1/100 lần so với thuốc lá điếu[1]. Dù không loại bỏ được hoàn toàn, nhưng tỷ lệ giảm này giúp đánh giá mức độ tác động tương ứng của TLNN đối với sức khỏe, làm cơ sở để Nhật Bản có quy định quản lý TLNN ít nghiêm ngặt hơn thuốc lá điếu.

Không chỉ có Anh, Đức, Nhật mà trên 80% cơ quan y tế của các nước thuộc khối G7 (kể cả Mỹ) đều đưa ra những kết luận về tiềm năng giảm hại của TLNN so với thuốc lá điếu.

Nghiên cứu độc lập về thuốc lá nung nóng cho kết quả ra sao? - 3
Nguồn: Vietnam Plus

Đối thoại thường quy giữa doanh nghiệp thuốc lá và chính phủ trên thế giới

Trên thế giới, việc đối thoại minh bạch công khai với ngành hàng được các quốc gia thực hiện rộng rãi, phổ biến, và công bố minh bạch trên website của chính phủ nhiều nước.

Tại Canada, chính phủ liệt kê rõ các cuộc đối thoại cùng các nhóm người dùng, công ty thuốc lá và khẳng định điều này hoàn toàn tuân thủ vào Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) mà Việt Nam là thành viên.

Tại Anh, chính phủ đưa ra hướng dẫn cụ thể cho việc hợp tác với ngành công nghiệp thuốc lá, nhằm đảm bảo tuân thủ quy định kiểm soát một cách minh bạch.

Tại Mỹ, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã làm việc chặt chẽ với các nhà sản xuất trước khi cấp phép cho các sản phẩm TLNN với chỉ định Sản phẩm Thuốc lá Điều chỉnh về mức độ nguy cơ (MRTP)[2].

Tại Việt Nam, trong một hội thảo về TLNN tháng 8 năm nay, ông Nguyễn Hồng Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội, Văn phòng Quốc hội - cho biết, chính sách quản lý Nhà nước về TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác đang chưa có quan điểm thống nhất, bởi một số cơ quan cho rằng còn thiếu các cơ sở khoa học đáng tin cậy để xem xét. Thế nhưng, "cơ sở, căn cứ khoa học đáng tin cậy đấy thì các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa được tiếp cận đến", ông Ngọc nêu[3].

Trước đó, tại cuộc họp tháng 3 năm nay, Bộ Y tế cũng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu và đánh giá các phương án để trình lên Chính phủ và lấy ý kiến từ các bộ ngành, đối tượng liên quan, trong đó có Hiệp hội Thuốc lá và các doanh nghiệp thuốc lá. Từ đó, các bên có thể đánh giá khách quan, công tâm về TLNN, thuốc lá mới để đề ra chính sách kiểm soát phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội và định hướng của Chính phủ.

Do vậy, việc ngành hàng thuốc lá tiếp cận đến các cơ quan quản lý vẫn tuân thủ theo những quy trình đang được áp dụng, nhằm làm rõ những bằng chứng khoa học đang còn gây nhầm lẫn.

Sau nhiều cuộc họp từ các bộ ngành liên quan, các đại biểu nhấn mạnh, dù TLNN hay thuốc lá mới nào khác về bản chất nếu phù hợp với định nghĩa của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì cần quản lý, vì đó là sản phẩm thuốc lá. Việc quản lý chính là tôn trọng thể chế, cũng như đảm bảo tính bền vững của hệ thống pháp luật.

[1] https://www.jstage.jst.go.jp/article/juoeh/39/3/39_201/_article ↑

[2] FDA Authorizes Modified Risk Tobacco Products | FDA ↑

[3] Xem xét tiếp cận căn cứ khoa học đa chiều về thuốc lá mới | Báo Pháp luật Việt Nam điện tử (baophapluat.vn) ↑