Nghịch lý: VN-Index tăng 34 điểm, phần lớn nhà đầu tư vẫn "chưa về bờ"
(Dân trí) - Dù VN-Index và VN30-Index đã có một phiên hồi phục ấn tượng song phần lớn cổ phiếu trên thị trường vẫn giảm giá, hầu hết nhà đầu tư chưa "về bờ" sau cú "đánh úp" chiều qua.
Gần 550 mã trên thị trường giảm khi VN-Index hồi phục hơn 30 điểm
Vẫn là phiên chiều và vẫn là kéo ATC (cuối phiên). Diễn biến thị trường trong hôm qua và hôm nay (7/7) đều vô cùng gay cấn. Nếu hôm qua, nhà đầu tư "đứng tim", ngơ ngác không hiểu vì sao chỉ số bị "đạp mạnh" thì đến phiên này, chỉ số cũng hồi phục trong ngỡ ngàng.
Với tình trạng bảng giá nhảy loạn xạ ở phiên sáng, một số công ty chứng khoán lớn không thể truy cập và giao dịch gây ra tâm lý ức chế, đến phiên chiều, thanh khoản có phần được "nới" nhờ tình trạng này phần nào được khắc phục.
VN-Index đóng cửa tăng 33,76 điểm tương ứng 2,49% lên 1.388,55 điểm, phục hồi lại hơn một nửa số thiệt hại của phiên hôm qua. VN30-Index cũng tăng tới 50,35 điểm tương ứng 3,38% lên 1.538,77 điểm.
HNX-Index lấy lại sắc xanh, tăng 1,32 điểm tương ứng 0,41% lên 319,83 điểm; UPCoM-Index tăng 0,07 điểm tương ứng 0,08% lên 89,14 điểm.
Tuy vậy, nghịch lý là vẫn có tới 549 mã giảm giá, 23 mã giảm sàn trên toàn thị trường trong phiên này. Số mã tăng là 303 mã, có 29 mã tăng trần.
Diễn biến tăng điểm của chỉ số chủ yếu dựa vào sức bật của nhóm VN30. Phần lớn cổ phiếu trong rổ này đều tăng giá, nhiều mã tăng mạnh.
MWG tăng trần lên 165.800 đồng/cổ phiếu; PNJ tăng 6,9% lên 106.500 đồng/cổ phiếu; GAS tăng 6,6%; MSN tăng 6,4%; TCH tăng 6,3%; VHM tăng 6,1%; MBB tăng 5%; TCB tăng 4,8%; VRE tăng 4,7%; HDB tăng 4,3%; HPG tăng 4%; FPT tăng 4%; SSI tăng 3,6%; BID tăng 3,4%; VNM tăng 3,2%...
Trong khi đó, cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hồi phục rất khiêm tốn. VNMID-Index vẫn giảm 1,45 điểm tương ứng 0,09%; VNSML-Index chỉ tăng 0,58 điểm tương ứng 0,04%.
Cổ phiếu "họ" FLC "tắm đỏ". Ngoại trừ FLC trụ lại ở mức giá tham chiếu 11.900 đồng/cổ phiếu thì các mã khác trong nhóm này đều giảm giá hoặc giảm sàn. ROS giảm sàn về 5.580 đồng/cổ phiếu, trắng bên mua. AMD giảm 6,7% và có lúc giảm sàn; tương tự KLF cũng giảm 6,4%; HAI giảm 3%; ART giảm 1,1%.
Phần lớn nhà đầu tư vẫn thiệt hại nặng nề và chưa thể đưa giá trị tài khoản (NAV) về lại mức hôm qua. Nhất là nhà đầu tư nào "đu đỉnh" cổ phiếu ở phiên thứ 6 tuần trước hoặc sáng hôm qua thì đến phiên hôm nay vẫn chưa thể "về bờ", tài khoản vẫn… "âm" rất nặng.
"Toàn bộ số lãi tôi kiếm được trong vòng một tháng qua đã tan tành mây khói, thậm chí tôi còn bị lỗ nhẹ trong phiên hôm nay dù thị trường hồi phục" - chị Nguyễn Thanh Nhàn, một nhà đầu tư ở Hà Nội cho biết.
Tình trạng thua lỗ của nhà đầu tư vào thời điểm này chủ yếu do tài khoản vẫn để tỉ lệ cổ phiếu và tỉ lệ margin lớn, dẫn đến khi thị trường giảm sâu không chủ động được trước biến động.
Khối ngoại và tự doanh các công ty chứng khoán mua ròng
Mặc dù cổ phiếu ngân hàng phiên hôm nay phần lớn hồi phục, song do nhiều mã giảm sàn trong phiên hôm qua thì đến phiên này, dù đạt trạng thái tăng thì vẫn không thể nào bù đắp được thiệt hại cho nhà đầu tư, chưa nói đến những mã đi ngang hoặc giảm thêm.
Điểm tích cực là mặc dù có sự cố vào phiên buổi sáng tại một số công ty chứng khoán nhưng dòng tiền vào thị trường vẫn mạnh.
Khối lượng giao dịch trên HSX phiên này đạt 785,18 triệu cổ phiếu tương ứng 26.596,16 tỷ đồng; HNX có 145,94 triệu cổ phiếu tương ứng 3.443,62 tỷ đồng; UPCoM có 73,41 triệu cổ phiếu tương ứng 1.302,92 tỷ đồng.
Khối ngoại tăng mua ròng lên 1.601,33 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó mua vào 3.044,47 tỷ đồng và bán ra 1.443,14 tỷ đồng. Những mã được khối ngoại tập trung mua gồm VHM, MBB, HPG, MSN, KBC, VNM, HDB, LPB…
Tự doanh các công ty chứng khoán cũng mua ròng 218,63 tỷ đồng, trong đó mua vào 585,79 tỷ đồng và bán ra 367,16 tỷ đồng. Những cổ phiếu được khối tự doanh ưa thích là CTG, VCB, SSI. FPT, VNM, PET…