Giới đầu tư "phát điên" với lỗi giao dịch, bí ẩn thanh khoản trên HSX

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi khách hàng của những công ty chứng khoán lớn sáng nay phàn nàn vì hệ thống "treo", khó khăn trong đặt lệnh thì rất kỳ lạ, thanh khoản thị trường vẫn khả quan.

Vừa bước vào phiên giao dịch sáng nay (7/7), dường như nhà đầu tư vẫn chưa thoát khỏi dư âm của phiên "đánh úp" chiều qua. Theo đó, VN-Index phục được giây lát trong đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa (ATO) sau đó đã lao dốc rất mạnh xuống ngưỡng 1.335 điểm.

Lúc này, một lần nữa VN-Index được "đỡ" bởi cầu bắt đáy cũng như nguồn cung cạn dần. Chỉ số xuống nhanh, lên nhanh. Tuy nhiên, điều mà nhiều nhà đầu tư không ngờ đến là bảng điện một số nơi vẫn "giật cục", tình trạng đơ nghẽn lại tái diễn.

Giới đầu tư phát điên với lỗi giao dịch, bí ẩn thanh khoản trên HSX - 1

Thanh khoản thị trường sáng nay cho thấy sự bứt phá đáng kể so với phiên trước (Ảnh chụp màn hình).

Nhiều nhà đầu tư phản ánh, tình trạng đơ nghẽn đã xảy ra tại các công ty chứng khoán như VPS, SSI, TCBS… Chưa nói đến việc giao dịch, không ít người còn không thể truy cập được vào ứng dụng do hệ thống "treo".

Từ đầu phiên giao dịch, Công ty chứng khoán SSI đã có thông báo cho hay, các kênh giao dịch tại SSI ghi nhận hiện tượng cập nhật trạng thái lệnh chậm, lệnh có thể được đặt thành công nhưng chưa ghi nhận ở sổ lệnh trên các hệ thống giao dịch trực tuyến và OPT.

Giới đầu tư phát điên với lỗi giao dịch, bí ẩn thanh khoản trên HSX - 2

Thông báo của SSI về sự cố đặt lệnh.

Trong khi khách hàng được khuyến nghị chờ và kiểm tra "trạng thái lệnh" trước khi đặt lệnh mới để tránh việc "double" lệnh (một lệnh được đặt hai lần) thì SSI cho biết, bộ phận kỹ thuật của công ty này "đang kiểm tra và khắc phục gấp".

Công ty chứng khoán VPS sáng nay cũng mắc lỗi treo ứng dụng, nhà đầu tư không thể truy cập để giao dịch mua, bán.

Giới đầu tư phát điên với lỗi giao dịch, bí ẩn thanh khoản trên HSX - 3

Nhiều nhà đầu tư không đăng nhập được hệ thống giao dịch của VPS trên mobile (Ảnh chụp màn hình).

Đáng chú ý là mới 45 phút giao dịch, trong khi bảng điện tê cứng và co giật thì vẫn có hơn 6.800 tỷ đồng giải ngân mua cổ phiếu, gần 200 triệu cổ phiếu được giao dịch. Theo đó, câu hỏi đặt ra là: Ai mua, ai bán?

Theo Công ty chứng khoán MBS, hôm qua, thị trường trong nước có phiên giảm mạnh thứ 2 kể từ đầu năm, chỉ sau phiên giảm ngày 28/1. Mức giảm mạnh này cũng làm gãy xu hướng tăng kể từ tháng 4 và chỉ số có thể về ngưỡng hỗ trợ MA50 ở khu vực 1.320 điểm.

Điều tích cực lúc này là hoạt động mua ròng cổ phiếu trở lại của khối ngoại. Thông thường sau các phiên giảm mạnh, thị trường sẽ có nhịp hồi để tìm điểm cân bằng, tuy vậy nhà đầu tư vẫn được khuyến nghị chưa vội bắt đáy, điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.

Còn theo Công ty chứng khoán Rồng Việt, các báo cáo kết quả kinh doanh quý II của các công ty niêm yết vẫn chưa thông báo ra thị trường nên nhịp giảm mạnh này vừa là nhịp điều chỉnh của thị trường vừa là cơ hội cho nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, hoặc có thể mua vào các cổ phiếu tốt có kết quả kinh doanh quý II tích cực để đem lại hiệu quả đầu tư trong tương lai.