Nghịch lý: Than nhà tồn kho vẫn nhập thêm 6,4 triệu tấn than ngoại giá đắt

(Dân trí) - Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập khẩu hơn 6 triệu tấn than, trong khi đó ngành khai thác than trong nước dư thừa tính đến nay là khoảng 9 triệu tấn, lượng xuất khẩu mới đạt hơn 1 triệu tấn.

Nghịch lý này khiến trong nước thừa than nhưng Việt Nam vẫn phải nhập. Cụ thể hoạt động nhập khẩu 6 tháng đầu năm Việt Nam nhập hơn 6,4 triệu tấn than, kim ngạch hơn 650 triệu USD, giảm 9% về lượng nhưng tăng gần 50% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân, giá than nhập về Việt Nam vào khoảng 2,3 triệu đồng/tấn, tăng hơn 800.000 đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu than tăng mạnh, giá đắt hơn so với giá trung bình của năm trước (ảnh minh hoạ)
Nhập khẩu than tăng mạnh, giá đắt hơn so với giá trung bình của năm trước (ảnh minh hoạ)

Về thị trường, hiện Việt Nam nhập than nhiều nhất của 3 nước, trong đó Indonesia 2,4 triệu tấn, giá nhập trung bình 1,5 triệu đồng/tấn; than nhập từ Nga đạt 1 triệu tấn, giá 2,4 triệu đồng/tấn; than nhập Trung Quốc đạt hơn 430.000 tấn, giá đạt 4,5 triệu đồng/tấn.

Về xuất khẩu mặt hàng than, 6 tháng cả nước chỉ xuất được 1 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 150 triệu USD, giá 3,4 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, mới đây Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, toàn ngành than hiện đang tồn khoảng 9 triệu tấn than do không xuất khẩu được và không bán được ra thị trường trong nước.

Theo Bộ Công Thương và TKV, số than tồn hơn 9 triệu tấn trong 6 tháng qua chủ yếu là than phẩm cấp thấp, than khai thác ở độ sâu lớn nên giá thành cao, khó xuất khẩu.

Trong khi đó, lượng than nhập về chủ yếu cho các dự án nhiệt điện nhỏ và vừa, các dự án sản xuất gang thép hoặc các lò hơi của các khu công nghiệp, khu chế xuất chuyên biệt. Đáng nói, đa phần các dự án này có liên doanh với nước ngoài, được cấp cơ chế mua bán than độc lập, theo giá thị trường.

Hiện theo Tổng sơ đồ điện 6 và 7, Việt Nam tiếp tục phát triển thêm nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than cỡ nhỏ và vừa tại Duyên hải Nam Trung bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).

Việc mở rộng nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá chỉ giải quyết nhu cầu điện trong thời gian ngắn, trong khi đó lại làm tăng giá bán điện do chi phí vận hành cao và giá than đang tăng.

Hiện Indonesia, Nga và Trung Quốc cũng đánh thuế rất cao vào mặt hàng than xuất khẩu để tránh xuất khẩu dạng tài nguyên này trong bối cảnh giá than trên thế giới rẻ đi.

Hiện, ngoài một số nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN có thương thảo mua bán than của TKV, nhiều liên doanh đầu tư nhà máy nhiệt điện thuộc EVN, PVN không đàm phán với TKV để nhập than phục vụ sản xuất, các đối tác này thường đàm phán với nhà nhập khẩu thứ 2 hoặc qua liên doanh để nhập khẩu than từ các nước rẻ hơn như Indonesia, Nga và Đông Âu.

Chính vì thế, xuất hiện nghịch lý dù than tồn trong nước vẫn cao nhưng tiêu thụ than trong nước vẫn khó khăn, xuất khẩu nhỏ giọt và chủ yếu ở loại than chất lượng cao.

Nguyễn Tuyền