Nghịch lý kinh doanh của PNJ: Doanh thu tăng, biên lợi nhuận giảm

Trường Thịnh

(Dân trí) - Giá vàng miếng SJC và giá vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại liên tục tăng mạnh nhưng biên lợi nhuận gộp trung bình 4 tháng đầu năm của công ty PNJ lại giảm.

Cuối tuần, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết mua vào 87,5 triệu đồng/lượng, bán ra 89,4 triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng miếng SJC tăng khoảng 15,4 triệu đồng/lượng (tương ứng tăng 20,8%). Giá vàng nhẫn và vàng trang sức 24K các loại được công ty PNJ giao dịch mua vào 74,6 triệu đồng/lượng, bán ra 76,3 triệu đồng/lượng. Từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn tăng 13,3 triệu đồng/lượng (tương ứng tăng 21,1%).

Giá vàng tăng, sức mua giảm

Giá vàng trong nước tăng mạnh đối với cả vàng miếng SJC lẫn vàng nhẫn, theo đà đi lên của giá thế giới và nhu cầu mua vàng tăng cao ở thị trường trong nước. Dù vậy, nghịch lý trên thị trường vàng là giá tăng nhưng doanh nghiệp lại không lãi như kỳ vọng.

Báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2024 của Công ty PNJ cho thấy doanh thu thuần tăng rất mạnh 33,1% so với cùng kỳ, đạt 16.049 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp chỉ tăng 17%, giảm so với mức 19,1% cùng kỳ năm 2023.

PNJ giải thích việc này là do sự thay đổi cơ cấu hàng bán trong kênh lẻ, cơ cấu doanh thu, sự biến động giá nguyên liệu và các yếu tố đầu vào khác.

Nghịch lý kinh doanh của PNJ: Doanh thu tăng, biên lợi nhuận giảm - 1

4 tháng đầu năm, doanh thu vàng 24K của PNJ tăng gần 80% nhưng biên lợi nhuận lại chỉ đạt 17%, giảm so với mức 19,1% cùng kỳ năm 2023 (Ảnh: Đỗ Trường).

Từ nhiều năm nay, PNJ cho biết tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là trang sức, với định vị là công ty bán lẻ trang sức số một thị trường Việt Nam vươn tầm thế giới. Lợi nhuận đến từ vàng miếng và kinh doanh vàng miếng không phải mảng cốt lõi, thậm chí đóng góp vào hoạt động kinh doanh với tỷ trọng ngày càng thu hẹp. Bởi biên lợi nhuận của vàng 24K rất thấp và đây cũng không là mảng kinh doanh chính của PNJ, nên dù 4 tháng đầu năm doanh thu vàng 24K tăng gần 80% nhưng biên lợi nhuận lại chỉ đạt 17%, giảm so với mức 19,1% cùng kỳ năm 2023.

Trong khi đó, giá vàng tăng cao dẫn đến giá nguyên liệu đầu tăng lại gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của công ty ở mảng kinh doanh cốt lõi.

Đồng thời, kinh tế còn khó khăn, các kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm lãi suất thấp, bất động sản chưa phục hồi trong khi giá vàng liên tục lập đỉnh đã thúc đẩy nhu cầu mua vàng của người dân. Nhu cầu mua vàng miếng, vàng nhẫn tích trữ tăng, trong khi nhu cầu mua vàng trang sức, mỹ nghệ cho làm đẹp lại giảm…

Số liệu của PNJ cho thấy doanh thu trang sức bán lẻ trong 4 tháng đầu năm nay chỉ tăng 12,4% so với cùng kỳ. Doanh thu từ mảng trang sức chiếm tỷ trọng cao 56,8% (49,2% bán lẻ và 7,6% bán sỉ) trong cơ cấu tổng doanh thu, nên giá vàng trang sức tăng trong khi nhu cầu tiêu dùng, sức mua của người dân giảm sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp vàng.

Giải bài toán tăng trưởng trước "cơn gió ngược"

Trong bối cảnh thị trường được nhận định còn khó khăn, sức mua chung của ngành trang sức, ngành bán lẻ và người tiêu dùng suy giảm, PNJ khẳng định vẫn đang nỗ lực xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng và triển khai nhiều chiến lược mới. Công ty khẳng định quyết tâm tăng tốc phát triển các năng lực chiến lược, các chiến lược đầu tư mới và kiện toàn bộ máy, cơ chế nhằm duy trì vị thế của công ty hàng đầu trong ngành trang sức Việt Nam và vươn tầm khu vực.

Nghịch lý kinh doanh của PNJ: Doanh thu tăng, biên lợi nhuận giảm - 2

PNJ đã thử nghiệm các mô hình tiếp cận khách hàng hiện đại làm động cơ phát triển cho tương lai (Ảnh: Đỗ Trường).

PNJ đang có nhiều thế mạnh khi là thương hiệu hàng đầu trong ngành vàng bạc, đá quý, kinh doanh trang sức tại Việt Nam. Doanh nghiệp có chiến lược phát triển kinh doanh mới, cơ cấu danh mục sản phẩm và thế mạnh về đội ngũ nhân sự cũng như sớm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

"PNJ đã thử nghiệm các mô hình tiếp cận khách hàng hiện đại làm động cơ phát triển cho tương lai; đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển các mảng kinh doanh mới, tạo động lực tăng trưởng mới. Doanh nghiệp đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sản xuất mới, sản phẩm mới nhằm kịp thời nắm bắt, đáp ứng sự thay đổi của khách hàng, môi trường kinh doanh… với mục tiêu giữ vị trí hàng đầu thị trường bán lẻ trang sức trong dài hạn", đại diện PNJ nói.