Nghĩ từ chai nước mắm Phú Quốc

Uỷ ban Châu Âu (EC) vừa chính thức cấp chứng nhận bảo hộ tên gọi “Phú Quốc” cho nước mắm Phú Quốc của VN để sản phẩm này được công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại 28 nước thành viên của Liên minh Châu Âu (EU).

Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của các nước ASEAN được EC chính thức bảo hộ. Như vậy là sau nhiều tranh cãi về việc nước mắm Phú Quốc bị đăng ký bản quyền tại nước ngoài, Hiệp hội nước mắm Phú Quốc đã thành công nhất định khi dành được quyền phân phối chính thức vào thị trường EU dưới tên gọi xuất xứ “Phú Quốc”.

 

Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu. Để trụ vững ở thị trường tiềm năng này, các doanh nghiệp kinh doanh nước mắm Phú Quốc còn nhiều việc phải làm. Một trong những “bí quyết kinh doanh” dễ thấy nhất: bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mình có. Cứ cho là người tiêu dùng Châu Âu đã quá quen thuộc với nước mắm Phú Quốc của VN và chỉ cần nói đến thương hiệu “Phú Quốc” là họ “ok” về chất lượng. Song hình thức bao bì, mẫu mã sản phẩm cũng là một trong những điều kiện cần và đủ để thu hút người mua.

 

Theo phản ánh của một chủ shop hàng Việt tại thị trường này, NTD Châu Âu hiện không thấy “bắt mắt” với mẫu mã của chai nước mắm Phú Quốc. Chữ “nước mắm” quá bé, trong khi mầu sắc bao bì quá  loè loẹt. NTD Châu Âu có thói quen sử dụng các phụ gia cho thức ăn hằng ngày, tuy nhiên, kích cỡ của chai nước mắm Phú Quốc quá to, không thích hợp trên bàn ăn. Nên chăng, vẫn là chai nước mắm đó, nhưng để phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhà sản xuất cần đa dạng chủng loại sản phẩm, và thiết kế nhiều kích cỡ chai khác nhau.

 

Đó là chưa kể, VN là xứ sở nhiệt đới, nhưng Châu Âu lại là xứ ôn đới. Chai nước mắm ở đâu cũng như nhau, nên khi sang đến Châu Âu thường bị kết tủa, hoặc đóng cặn bên dưới. NTD Châu Âu thậm chí không biết điều này, cho rằng hàng đã quá đát nên mới kết tủa.

 

Không chỉ nước mắm, nhiều mặt hàng XK có thế mạnh của VN khi xuất sang Châu Âu đều không tính hết đến nhu cầu của người sử dụng. Nếu biết, chỉ cần một cải tiến nhỏ, nhưng hiệu quả vô cùng lớn, và người tiêu dùng Châu Âu cũng sẽ không quá khó tính để tẩy chay một thương hiệu đã “nằm lòng”. Song cũng có những thương hiệu sớm biến mất tại thị trường Châu Âu và cả những thị trường tiềm năng khác khi thiếu nhạy bén với những nhu cầu, sở thích dù nhỏ của NTD. Và vì vậy đã phải trả giá không đáng có.

 

Theo Hồng Quân

Lao động