1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nghị trường nóng với quy định "kinh tế Nhà nước là chủ đạo"

(Dân trí) - Một số đại biểu Quốc hội đề xuất không quy định kinh tế Nhà nước là chủ đạo của kinh tế nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

Hôm nay 3/6, Quốc hội thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau (ảnh minh họa).
Các thành phần kinh tế đều bình đẳng như nhau (ảnh minh họa).

Đóng góp ý kiến cho Điều 54 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) nhất trí với phương án 3 “nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế”, không nhất thiết phải kể tên các thành phần kinh tế, như thế có thể là thiếu hoặc thừa.

Đại biểu này cho rằng: “Các thành phần kinh tế đều bình đẳng nhau, đề cập nội dung như vậy là đủ, vừa đảm bảo tính khái quát và ổn định của Hiến pháp khi cơ cấu kinh tế thay đổi. Không quy định thành phần kinh tế chủ đạo của kinh tế nhà nước để không có sự phân biệt, đối xử không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường”.

Cũng theo đại biểu này, tài nguyên của quốc gia đương nhiên nhà nước nắm giữ, quản lý, còn doanh nghiệp nhà nước chỉ làm những gì mà khu vực tư nhân không muốn làm, hoặc không thể làm khi nhà nước đã tạo điều kiện thuận lợi. Doanh nghiệp nhà nước nắm giữ những lĩnh vực quan trọng nhất của quốc gia như khai thác dầu khí, truyền tải điện, công nghiệp quốc phòng…

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, nếu chọn phương án 1 hoặc 2 tức là xác định vị thế kinh tế nhà nước là chủ đạo hoặc việc xác định ưu tiên hay khuyến khích một thành phần kinh tế nào đó trong Hiến pháp đều không phù hợp.

“Bản Hiến pháp được xem như một đạo luật gốc, do đó chỉ nên ghi nhận nguyên tắc và thừa nhận sự tồn tại của nhiều thành phần sở hữu, hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước không thể là bất biến. Từng thời kỳ các chính sách sẽ được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với quá trình phát triển, vì thế việc ưu tiên khuyến khích hay hạn chế chỉ nên luật định mà không nên hiến định”, đại biểu Nhân nói.

Do đó, đại biểu đề nghị chọn phương án 3 như nội dung dự thảo. Đại biểu này cho rằng, tuyên bố nguyên tắc như vậy là hoàn toàn phù hợp với cương lĩnh và nội dung tuyên bố tại Khoản 2 Điều 54 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. “Cụm từ “bình đẳng” ở đây là vô cùng ý nghĩa và đúng đắn, đây cũng là nguyện vọng của đại bộ phận cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong cả nước, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài đang và sẽ tiếp tục mong muốn hợp tác với Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng thuận với hai quan điểm trên, đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) bày tỏ: Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế sẽ tạo tiền đề cho việc khắc phục những hậu quả khiếm khuyết của nền kinh tế thị trường, cũng như những tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế của nước ta.

Do đó, nội dung dự thảo nêu nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là phù hợp. Quy định này vừa khẳng định được bản chất vừa thể hiện được động lực và mục tiêu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mặt khác bảo đảm sự hài hòa và cân bằng mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội, tức là thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), xác định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là khẳng định tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. “So với bản dự thảo Hiến pháp lấy ý kiến nhân dân thì đây là sự tiếp thu rất đáng trân trọng, sự khẳng định này mang tính tất yếu khách quan dựa trên bản chất nền kinh tế của Việt Nam. Mà đã là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì kinh tế Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, phủ nhận hay né tránh điều cốt lõi này tức là không thể hiện đúng lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay”, đại biểu Học nêu quan điểm.

Còn theo đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) thì, nền móng chế độ kinh tế đã được khẳng định, đó là chế độ sở hữu, công hữu đối với tư liệu sản xuất chủ yếu thông qua sở hữu toàn dân.

Theo đại biểu Khánh, nền kinh tế đóng vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước ta, định hướng cho kinh tế thị trường phát triển xã hội chủ nghĩa là kinh tế nhà nước, cùng với kinh tế tập thể tạo nên nền móng của chế độ chúng ta về mặt kinh tế. Hai thành tố này có mối quan hệ chặt chẽ, mật thiết hữu cơ với nhau, nếu chỉ một trong 2 thành tố này thay đổi thì bản chất chế độ chúng ta sẽ thay đổi.

Vì vậy, đại biểu Khánh “không đồng tình với một số ý kiến cho rằng trong Hiến pháp hỉ hiến định nền móng chính trị hoặc nền móng kinh tế, tức là chúng ta công nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, của giai cấp công nhân về liên minh công - nông mà không thừa nhận sở hữu toàn dân với vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước”.

Điều 54 dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đưa ra 3 phương án về các thành phần kinh tế như sau:

Phương án 1: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế. Kinh tế đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Phương án 2 : Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Phương án 3: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa.

Ngày mai 4/6, Quốc hội sẽ dành cả ngày để tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Nguyễn Hiền