Nghị trường “nóng” chuyện “ bắt nhốt” nợ xấu

(Dân trí) - Theo đánh giá của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), đến nay, nợ xấu trong nền kinh tế đã bị VAMC bắt nhốt lại, nhưng đó mới chỉ là nhốt lại, xích lại, nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.

“Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, qua 3 năm VAMC mới chỉ bán được 2-3% nợ xấu. Theo đà này thì bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu, đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm, nghìn tỷ đồng để cứu vãn nền kinh tế hiện nay?”, đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng).
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Và theo đại biểu, “cần phải tư duy lại phương pháp xử lý nợ xấu và phải theo nguyên lý thị trường, tiền tươi thóc thật, sòng phẳng và gắn với tình trạng thị trường bất động sản, tránh nguy cơ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu”.

Một số đại biểu cũng băn khoăn về việc giải quyết nợ xấu. Mặc dù việc giải quyết nợ xấu đã chủ động hơn nhưng về bản chất nợ xấu chưa giảm, tỷ lệ còn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc xử lý nợ xấu còn khó khăn, nhất là về thủ tục phát mại tài sản; khả năng xử lý nợ của VAMC còn hạn chế.

Thậm chí, có ý kiến băn khoăn về khả năng nợ xấu vẫn có thể phát sinh sau khi VAMC phát hành trái phiếu để xử lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc đánh giá nợ xấu cần phải thực chất, chính xác và nghiêm túc hơn. Một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chỉ tiêu đưa tỉ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3% vào cuối năm 2015.

Do vậy, một số đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp trong giải quyết nợ xấu; tăng dự phòng để xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng; rà soát, xử lý và có giải pháp ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng.

“Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án mô hình thị trường mua bán nợ. Các cơ quan tư pháp cần xử lý dứt điểm các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ thi hành án các vụ án dân sự, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ. Đồng thời, phải tháo gỡ và có cơ chế đặc biệt cho VAMC giải quyết hiệu quả nợ xấu, nhất là giải quyết các tài sản phức tạp, tài sản kéo dài, tài sản khó xử lý; sớm ban hành các văn hướng dẫn phát hành trái phiếu của VAMC”, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế phân tích.

Do đó, đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An) đề nghị Chính phủ cần rà soát các luật liên quan để sửa đổi có cơ chế đồng bộ nhằm tháo gỡ nút thắt tín dụng về cho vay, tín chấp.

Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An).
 Đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An).

“Cho vay tín chấp là biểu hiện của sự tiến bộ và văn minh trong lĩnh vực kinh doanh, theo lãnh đạo Ngân hàng HSBC Việt Nam, ở các ngân hàng nước ngoài, tỷ lệ cho vay tín chấp chiếm 80% dư nợ tín dụng. Ở nước ta, ngoài một số doanh nghiệp Nhà nước, còn việc cho vay tín chấp là một vấn đề xa lạ”, đại biểu Quý nói.

Nhắc lại tình hình năm 2012, khi kinh tế trong tình trạng đặc biệt khó khăn, lạm phát và dư nợ tăng cao, đại biểu Trần Du Lịch đã ví nợ xấu như cục máu đông, làm tắc nghẽn thị trường tín dụng. “Tuy nhiên, cục máu đông này, hiện nay cơ bản đang chảy, việc tiếp cận nguồn vốn đã được thông thoáng, nhưng vẫn còn tồn tại, tình trạng ngân hàng thừa tiền, còn doanh nghiệp thì thiếu vốn, nhiều doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, mong muốn tham gia đầu tư vào những dự án hạ tầng lớn, có tính khả thi cao, nhưng không vay được vốn vì hết tài sản thế chấp, cho vay thế chấp là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh”, đại biểu nhận xét.

Ông Quý cũng cho hay, tại kỳ họp này, Quốc hội đã và đang thảo luận cho ý kiến thông qua một số luật, trong đó có Bộ luật hình sự (sửa đổi) liên quan đến lĩnh vực cho vay tín chấp. Do vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các điều luật liên quan để sửa đổi cho phù hợp, đồng thời cần có cơ chế đồng bộ để tạo hành lang pháp lý rõ ràng đối với lĩnh vực cho vay tín chấp.

Về phía khách hàng và ngân hàng thương mại, theo ông Quỹ, ngoài củng cố đạo đức nghề nghiệp cần có cách tiếp cận phù hợp, xây dựng lòng tin để hướng tới tiêu chí cho vay tín chấp theo thông lệ quốc tế như một là khách hàng có uy tín cao; có phương án kinh doanh khả thi; tình hình tài chính lành mạnh; nhân sự ổn định, đặc biệt là nhân sự cao cấp; ngân hàng quản lý dòng tiền chặt chẽ theo từng món vay.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, một trong những cách hữu hiệu nhất là nhà nước trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và trở thành chủ sở hữu duy nhất của ngân hàng.

Điều này, theo đánh giá của đại biểu sẽ giúp cho nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc tái cơ cấu ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, hạn chế việc gia tăng các rủi ro của ngân hàng yếu kém sang các tổ chức tín dụng khác, tận dụng được năng lực tài chính, quản trị, điều hành và kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại nhà nước mà không bắt các ngân hàng này phải gánh chịu các tổn thất.

Bên cạnh đó, theo gợi ý của đại biểu, cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện để vừa xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, vừa hình thành nên các tổ chức tín dụng có quy mô và năng lực cạnh tranh lớn hơn. Đồng thời, tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát và xử lý vấn đề sở hữu chéo, cổ đông sở hữu vượt giới hạn quy định, vi phạm pháp luật về sở hữu vốn của tổ chức tín dụng, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro kém hiệu quả.

 Bài: Nguyễn Hiền
Ảnh: Việt Hưng

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”