Eurocham quan ngại về thay đổi chính sách quản lý chuỗi cung ứng thuốc
(Dân trí) - Nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dược mới đây đã bày tỏ quan ngại về việc Bộ Y tế từ chối cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho các kho bảo quản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với lý do Nghị định 54 cấm hoạt động kinh doanh bảo quản thuốc và vận chuyển.
Liên quan đến quản lý đối với dịch vụ bảo quản thuốc của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong Sách trắng 2018 công bố ngày hôm qua (15/3), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho duy trì những quyền đã được cấp phép và hoạt động dịch vụ kho bãi và vận chuyển.
Trên thực tế, từ năm 1999, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã cấp phép đầu tư, Giấy Chứng nhận Đầu tư, Giấy Chứng nhận Đăng ký Doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy Chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Thực hành tốt bảo quản thuốc” (GSP) cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực bảo quản thốc.
Kể từ đó tới nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đầu tư xây dựng tại Việt Nam nhiều nhà kho, hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, phục vụ cho việc bảo quản hàng ngàn loại thuốc, trong đó phần lớn là biệt dược và thuốc cấp cứu cho bệnh nhân Việt Nam. Những loại thuốc này chỉ được các nhà sản xuất cung cấp thông qua các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp có uy tín, kinh nghiệm và năng lực kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, Nghị định 54 ngày 8/5/2017 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Dược đã thay đổi khái niệm phân phối thuốc bao gồm cả các dịch vụ kho bãi và vận chuyển. “Việc mở rộng quy định khiến các công ty nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam hơn hai thập kỷ không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển tại Việt Nam”, Eurocham phản ánh.
Hiện tại, Bộ Y tế đã từ chối cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho các kho bảo quản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với lý do Nghị định 54 cấm hoạt động kinh doanh bảo quản thuốc và vận chuyển thuốc đối với tất cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh các dịch vụ này từ trước khi Nghị định 54 được ban hành.
Vậy, việc Bộ Y tế đã từ chối cấp lại, gia hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc cho các kho bảo quản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có phù hợp với pháp luật không? Chính phủ cần có động thái gì trong trường hợp này?
Giới chuyên gia trong lĩnh vực dược cho rằng, việc cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo quản thuốc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoàn toàn phù hợp với các Luật Dược, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp hiện hành của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế (UN, WTO).
Với những động thái mới nhất từ phía cơ quan quản lý, Eurocham cho rằng, việc cấm các hoạt động trên có thể làm gián đoạn nguồn cung thuốc, ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ bảo đảm kiểm soát chất lượng thuốc, động thái này hạn chế đáng kể khả năng truy xuất nguồn gốc, tính liên tục của hoạt động giám sát.chất lượng thuốc từ nhập khẩu cho tới tay người sử dụng.
Các quyết định liên quan đến hợp đồng của các công ty dược phẩm trước tiên đều phải dựa trên khả năng theo sát các tiêu chuẩn và thực tiễn nghiêm ngặt về chất lượng, độ an toàn, tính tuân thủ, minh bạch và tài chính của nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng. “Chúng tôi vô cùng quan ngại về khả năng và năng lực đáp ứng những tiêu chuẩn này của các nhà cung cấp trong nước” – Sách trắng 2018 thẳng thắn nhận định.
Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, những thay đổi của Nghị định 54 không phù hợp với cam kết WTO của Việt Nam, đi ngược lại cam kết của Việt Nam trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
“Chúng tôi cho rằng việc áp dụng biện pháp mới sau khi đàm phán EVFTA không nên phủ định ý định ban đầu về tự do hoá thương mại. Thay đổi trong quy định, trước khi EVFTA được phê duyệt, chưa tạo ra sự tự tin cho nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng về tính bền vững và khả năng dự đoán của môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam”, Eurocham nhấn mạnh.
Phương Dung