Nghi chuyển giá, Coca-Cola bị tẩy chay?

(Dân trí) - Mặc dù chưa có kết luận liệu có thực sự trốn thuế hay không, song với nghi án chuyển giá, trốn thuế và bị người tiêu dùng tẩy chay, Coca-Cola đang rơi vào một cuộc khủng hoảng về quan hệ công chúng tại Việt Nam.

Nghi chuyển giá, Coca-Cola bị tẩy chay?
Với nghi án chuyển giá, trốn thuế, Coca-Cola đang đối diện với phong trào tẩy chay của người tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.

Coca-Cola đang giết chết trẻ em Việt Nam - Đó là thông điệp mà video “Chuyện của Mai” truyền tải, nằm trong phong trào tẩy chay chống lại nhà sản xuất nước ngọt được cho là thành công nhất và nổi tiếng nhất thế giới hiện nay: Coca-Cola.

Brand Channel dẫn các nguồn tin cho rằng, trên thực tế, Coca-Cola đã xuất hiện tại Việt Nam từ giai đoạn chống Mỹ. Sau đó, khi quân đội Mỹ rút đi thì loại nước uống này vẫn ở lại. Cho đến 18/11/1994, Coca-Cola mới chính thức đánh dấu sự trở lại với thị trường Việt Nam và bắt đầu xâm chiếm mảng kinh doanh nước ngọt.

Kể cả trong giai đoạn Việt Nam bị áp lệnh cấm vận thì với việc loại nước này được tuồn vào từ các nước lân cận, Coca-Cola vẫn có mặt tại thị trường này. Và nhờ vào hệ thống phân phối tạm thời này, Coca-Cola tuyên bố, đã chiếm một phần lớn thị phần nước giải khát tại Việt Nam thời bấy giờ, ngay cả trước khi chính thức quay trở lại.

Thế nhưng, trong nhiều năm qua, thành công của Coca-Cola lại gắn với một vấn đề nhức nhối đó là có dấu hiệu gian lận, trốn thuế, và đó cũng chính là khởi nguồn của phong trào tẩy chay nhãn hiệu này của người tiêu dùng trong nước.

Trong gần 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ. Điều này đã giúp Coca-Cola tránh được việc đóng thuế cho nhà nước sở tại. Chỉ riêng trong năm 2010, hãng này đã báo cáo lỗ 188 tỷ đồng, tương đương 8,98 triệu USD ở thị trường Việt Nam. Luỹ kế, con số thua lỗ mà Coca-Cola Việt Nam báo cáo lên tới 180 triệu USD trong thập kỷ vừa qua.

Cho dù liên tục kêu lỗ như vậy song, trong kế hoạch 3 năm tiếp theo của công ty này, Coca-Cola vẫn dự kiến đầu tư thêm 300 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Điều này khiến Coca-Cola không tránh khỏi nghi án chuyển giá.

Trong khi một số giải thích, đơn giản chỉ là sự phân bổ bình thường về lợi nhuận của một công ty đa quốc gia ở nhiều thị trường trên toàn thế giới thì một số khác cho rằng, đó là phương pháp mà các công ty đa quốc gia sử dụng để né thuế tại các nước đang phát triển bằng cách chuyển lợi nhuận tới những quốc gia khác được coi là thiên đường thuế.


 "Chuyện của Mai".

Bên cạnh bê bối liên quan đến nghĩa vụ thuế, Coca-Cola còn bị cho là đã lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư ở Việt Nam để tham lam mở rộng đất đai cho các cơ sở sản xuất của mình. Kết quả là, Đà Nẵng đã ngay lập tức tuyên bố dứt khoát không cho phép hãng này thuê thêm đất để mở thêm bất cứ cơ sở nào tại đây.

Theo nhận định của ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Mỹ tại Hà Nội, “Tại những quốc gia có khung pháp luật chặt chẽ, kín kẽ và minh bạch thì sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, Việt Nam không may là không nằm trong số đó”.

Theo ông Sitkoff, Coca-Cola không phải là doanh nghiệp duy nhất tạo nên thảm hoạ trong quan hệ công chúng ở Việt Nam mà bên cạnh đó còn có một loạt những cái tên như Pepsi, Metro, Unilever, BAT và Adidas đều đã bị bêu tên trên báo chí về điều tra chuyển giá.

Tuy nhiên, theo ông, mặc dù đang mọi việc đang tranh cãi và gây chấn động song vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy Coca-Cola có hành vi bất hợp pháp ở Việt Nam. Ông cũng chỉ ra rằng, chuyển giá là hành động hợp pháp, bao gồm ở Việt Nam. Ngay cả như ở Mỹ, nhiều công ty lớn vẫn không phải trả thuế mặc dù họ dường như hoạt động thành công.

Cho dù các báo cáo về việc Coca-Cola có thật hay không thì Coke có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trong xây dựng thương hiệu quốc tế, đó là điều có thực.

Cũng tương tự với Coke ở Việt Nam, tại Trung Quốc, Apple cũng bị cáo buộc trốn thuế, tham lam và lừa dối người tiêu dùng. Mặc dù trên thực tế, hành động của Apple không trầm trọng song với việc bị “bêu” trên báo chí, thương hiệu của “táo” đã bị giảm bớt giá trị trong mắt một số người tiêu dùng.

Tất cả những vấn đề đó chỉ là một phần nằm trong hoạt động kinh doanh tại một quốc gia. Rốt cuộc, theo ông Sitkoff, với một quốc gia như Việt Nam, nơi an toàn vệ sinh thực phẩm đang trở thành một mối quan tâm lớn cho người tiêu dùng, thì với sự an toàn và tính thống nhất của sản phẩm, Coca-Cola vẫn sẽ được đón nhận.

Đây được coi như một lời hứa thương hiệu đối với Coca-Cola, vũ khí duy nhất để doanh nghiệp này vượt qua được cuộc tẩy chay của người tiêu dùng Việt trong cơn phẫn nộ hiện tại. Cuộc khủng hoảng thương hiệu của Coca-Cola cũng chính là bài học cho tất cả những doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Về nghi án chuyển giá, Coca-Cola Việt Nam giải thích do chi phí lớn hơn doanh thu: Chi quảng cáo, tiếp thị, bảo vệ thương hiệu, lương nhân viên tăng, cùng với đó nhà giá nhiên liệu, giá điện, nhập khẩu nguyên liệu đội lên khiến giá thành tăng cao.

Ngoài ra, công ty phải vay vốn, chịu gánh nặng chi phí lãi suất cao cũng như những rủi ro tỉ giá với các khoản vay bằng USD. Các khoản chi đầu tư vào dây chuyền sản xuất đã làm gia tăng chi phí về lãi suất, khấu hao và chi phí chênh lệch tỉ giá.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh, giữa lúc các quy định pháp luật còn chưa kín, thì cái khó của ngành thuế là chu trình sản xuất khép kín nên việc kiểm tra chi phí giá đầu vào và chi phí giá đầu ra không hề đơn giản trong điều kiện FDI toàn cầu.

Một số chuyên gia lưu ý, trong khi vẫn chưa có kết quả thanh tra chính thức và các cơ quan quản lý còn khá thận trọng với vấn đề chuyển giá, nhưng một số doanh nghiệp FDI đã bị chỉ trích là “lách luật” và “trốn thuế”. Điều này vô hình trung tạo ra tâm lý thiếu thiện cảm với doanh nghiệp FDI, đồng thời gây lo ngại và bất an trong cộng đồng doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, hoặc đang nghiên cứu tham gia thị trường Việt Nam.

Về phía Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ trưởng Vinh cho biết, đã có đề án về chống chuyển giá nhưng phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan chức năng. Việc điều tra chuyển giá sẽ chỉ áp dụng với một số doanh nghiệp, không áp dụng đồng loạt tránh ảnh hưởng xấu tới hình ảnh môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Bích Diệp