Coca-Cola, Adidas "làm xấu mặt" 14.500 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam
(Dân trí) - Trong tổng số 14.500 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện nay, con số các doanh nghiệp như Coca-Cola và Adidas là rất ít, chỉ vài chục doanh nghiệp, song các doanh nghiệp này đang làm xấu đi hình ảnh của toàn bộ 14.500 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, doanh nghiệp FDI chiếm 65% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu, chỉ riêng 1 nhà máy Sam Sung ở Bắc Ninh đã chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đặt ra nhiều vấn đề, trong đó nhức nhối là vấn đề chuyển giá. Các doanh nghiệp đua nhau kê khai "lỗ giả, lãi thật" để hòng trốn thuế.
Bộ trưởng KHĐT Bùi Quang Vinh (ảnh: BD).
Điển hình là Coca-Cola. Doanh nghiệp này liên tục mở rộng sản xuất từ năm 1993 đến nay, doanh thu tăng trưởng hàng năm. Song cũng từ năm 1994 đến nay, Coca-Cola Việt Nam chưa nộp đồng thuế nào cho Nhà nước.
Số liệu gần đây được Cục thuế TPHCM cung cấp cho thấy, năm 2010, doanh thu Coca-Cola Việt Nam đạt 2.529 tỷ đồng, song chi phí lên đến 2.717 tỷ đồng nên đã khiến doanh nghiệp lỗ 188 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tổng cộng 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng.
Không chỉ có Coca-Cola, một điển hình khác thường được nhắc đến là Adias Việt Nam - "ông lớn" trong lĩnh vực giày da. Thành lập từ năm 1993, doanh thu lên tới 22.000 tỷ đồng, sử dụng khoảng 80.000 lao động tại Việt Nam nhưng Adidas vẫn thường xuyên báo lỗ.
Trao đổi về vấn đề này tại chương trình "Đối thoại chính sách" của VTV1, Đài truyền hình Việt Nam, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho biết, vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp FDI không phải là chuyện mới mà tất cả các nước có thu hút đầu tư nước ngoài đều xảy ra tình trạng này.
Lý giải cho hiện tượng trên, Bộ trưởng Vinh nói, các doanh nghiệp FDI có nguồn cung ứng của công ty mẹ trên toàn cầu và sản phẩm sau khi hoàn thành ở các thị trường nước sở tại lại xuất sang thị trường công ty mẹ. Do chu trình sản xuất khép kín nên việc kiểm tra chi phí giá đầu vào và chi phí giá đầu ra không hề đơn giản trong điều kiện FDI toàn cầu như vậy. "Đó là cái khó của ngành thuế, ngành tài chính" - Bộ trưởng Vinh cho hay.
Mặc dù giải quyết vấn đề chuyển giá, trốn thuế không phải là vấn đề chính của Bộ KHĐT mà là vấn đề của ngành thuế song tại Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài, câu chuyện này đã được đưa ra phê phán rất gay gắt.
Các chuyên gia nêu rõ, trong tổng số 14.500 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hiện nay, con số các doanh nghiệp như Coca-Cola và Adidas là rất ít, chỉ vài chục doanh nghiệp, song các doanh nghiệp này đang làm xấu đi hình ảnh của toàn bộ 14.500 doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.
Không bằng lòng với điều này và để các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam thu lợi thì phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, cách đây 2 năm, Bộ KHĐT đã làm một đề án về chống chuyển giá gửi Chính phủ và đã được chấp nhận. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý, để thực hiện những hành động cụ thể phải có sự phối hợp nhiều ngành từ thuế đến hải quan, phải kiểm soát được giá cả đầu vào của những dự án này, hạch toán đúng, kế toán đúng, kiểm tra được chi phí đầu vào đầu ra.
"Quan điểm của Bộ KHĐT là chúng ta phải làm nghiêm túc, chặt chẽ việc này và không được lơi lỏng, phải có nhiều biện pháp hơn để có thể kiểm soát được các doanh nghiệp chuyển giá. Nhưng điều này chỉ áp dụng với một số doanh nghiệp chứ không được đẩy lên thành một câu chuyện quá lớn, vì như vậy sẽ tạo nên hình ảnh môi trường đầu tư ở Việt Nam trở nên khác đi trong khi tỷ trọng những doanh nghiệp này không lớn", người đứng đầu ngành đầu tư phân tích.
Sau 25 năm thu hút, hiện tại cả nước đã có 14.552. dự án vốn FDI còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 210,5 tỷ USD, vốn thực hiện 100,6 tỷ USD, tỷ trọng đóng góp của các doanh nghiệp FDI chiếm 2% GDP năm 1992 đã tăng lên 18,97% vào năm 2011. Các doanh nghiệp này đang tạo ra 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3-4 triệu lao động gián tiếp với mức thu nhập tương đối khá.
Mặc dù vậy, có 5 điểm yếu và 3 hạn chế của doanh nghiệp FDI cũng như luồng vốn FDI đã được chỉ ra. Năm điểm yếu bao gồm: Thứ nhất, các dự án FDI tập trung chủ yếu và lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Thứ 2, tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký. Thứ ba, đa số công nghệ được chuyển giao chỉ ở chưa phải là tiên tiến, hiện đại mà mới chỉ dừng lại ở mức trung bình so với thế giới. Thứ tư, đời sống người lao động chưa cao. Thứ năm, chuyển giá và trốn thuế khá phổ biến. Ba hạn chế: hiệu ứng lan tỏa sang các khu vực khác kém; giá trị gia tăng thấp; một số dự án gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng.
Bích Diệp