Ngành quảng cáo VN thua trên sân nhà

“Thực hiện quảng bá cho tốp 10 thương hiệu quảng cáo nhiều nhất hiện nay... đều do các công ty QC nước ngoài đảm trách. Nói chung mình thua họ vì thiếu đủ thứ”, ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo TPHCM, Giám đốc Công ty Quảng Cáo trẻ cho biết.

Ngành quảng cáo (QC) VN nhìn về hình thức thì khá phát triển, song, xét về thực chất thì chủ yếu “làm thuê” cho các công ty QC nước ngoài, ý kiến của ông ra sao về nhận xét trên?

 

Sau khi Luật Doanh nghiệp (DN) ra đời vào năm 2000, rất nhiều công ty QC được thành lập. Cả nước hiện có khoảng 3.000 công ty QC, riêng TPHCM chiếm đến 70% số này. Tuy vậy, các công ty QC chỉ phát triển về lượng, không phát triển về chất.

 

Ở TPHCM chỉ có khoảng 10 công ty QC đúng nghĩa chuyên nghiệp là cùng, trong khi đó đã có trên dưới 30 công ty QC nước ngoài hoạt động tại TP dưới nhiều hình thức.

 

Thực hiện quảng bá cho tốp 10 thương hiệu QC nhiều nhất hiện nay, xếp hạng tạm thời là Unilever (nhiều sản phẩm, khoảng 30 triệu USD/năm), Tiger, Heineken, Pepsi, Coca-Cola, Toshiba... đều do các công ty QC nước ngoài đảm trách, đơn giản là vì các thương hiệu trên yêu cầu cao về tính chuyên nghiệp, ý tưởng, nhân sự và khả năng tài chính. Nói chung, mình thua vì thiếu đủ thứ!

 

80% thị phần quảng cáo trong nước hiện do các công ty nước ngoài chiếm giữ. Sự manh múm, mạnh ai nấy làm, thậm chí chụp giựt; nhân sự mỏng, thiếu chuyên nghiệp là những mặt yếu của các DN quảng cáo VN.

Những khiếm khuyết về sự chuyên nghiệp, ý tưởng, nhân sự… các công ty QC trong nước dần có thể khắc phục. Khả năng tài chính tác động như thế nào trong sự cạnh tranh giữa các công ty QC trong và ngoài nước?

 

QC sản phẩm trên truyền hình hiện là kênh lớn nhất. Những công ty QC có doanh số càng lớn thì được đài truyền hình áp mức giảm giá càng nhiều, dẫn đến giá thành giảm, thu hút được nhiều khách hàng hơn.

 

Thậm chí nhiều công ty QC nước ngoài không cần khoản giảm giá này mà dành hẳn khoản đó cho DN thuê làm QC. Vì thế, cơ hội của các công ty QC trong nước giành được hợp đồng là rất thấp.

 

Ngay cả công ty QC lớn của VN như là Đất Việt chẳng hạn, cũng hầu như chỉ làm trung gian, nhận đặt (booking) QC trên truyền hình cho các công ty QC nước ngoài là chính.

 

Đa số các công ty QC trong nước cho rằng những quy định pháp lý về QC hiện nay đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho các công ty QC trong nước, đó cũng là nguyên nhân khiến ngành QC trong nước giậm chân tại chỗ?

 

Quy định hiện nay chưa cho phép các công ty QC nước ngoài hay văn phòng đại diện của các công ty đó ký hợp đồng trực tiếp với hệ thống truyền hình mà phải nhờ booking qua các công ty QC trong nước. Tuy nhiên, một số địa phương đã xé rào. Có công ty QC nước ngoài công khai lách luật bằng cách lập một công ty “con” tại VN để được quyền booking, vô hiệu hóa các quy định hiện hành.

 

Theo thông lệ trước đây, các công ty thực hiện QC được các công ty QC sản phẩm trả 17,6% tổng giá trị hợp đồng QC qua truyền hình, nhưng nay mức này chỉ còn... 2% - 3%, lợi nhuận đa phần thuộc về đài truyền hình, các công ty QC chỉ biết “cắn răng” mà chịu!

 

Việc Nhà nước khống chế mức chi phí QC và tiếp khách không quá 10% chi phí hợp lý theo quy định về Thuế Thu nhập DN; khống chế báo in không được QC quá 10% diện tích; khống chế báo nói, báo hình không được QC quá 5% thời lượng phát sóng... chính là những nguyên nhân hạn chế sự tiếp cận của các DN trong nước với QC.

 

DN vừa và nhỏ đang chiếm tỉ lệ lớn nhất trong tổng số DN cả nước hiện nay, đại đa số chưa có ý thức và chiến lược bài bản về xây dựng thương hiệu nên càng ràng buộc, họ càng dè dặt trong việc đầu tư chi phí QC. Với những khống chế nói trên, làm sao để ngành QC trong nước phát triển cho nổi?!

 

Theo Hiệp hội QC VN, bình quân doanh thu 2000 - 2004 của QC trong nước là 60%/năm, một con số khá lạc quan. Cánh cửa hội nhập đã sắp mở, theo ông, cơ hội dành cho các công ty QC VN sẽ ra sao?

 

Riêng tôi đánh giá mức tăng trưởng mỗi năm chỉ chừng 20%-30% mà thôi. Và với thực trạng trên thì nên buồn nhiều hơn. Hướng sắp tới là chú trọng khai thác QC ngoài trời vì qua khảo sát, chúng tôi thấy rằng QC ngoài trời chiếm khoảng 15% chi phí QC của DN.

 

Nhưng để phát triển theo hướng này cần phải sửa đổi những quy định trong Quyết định 108/2002/QĐ-UB của UBND TPHCM vì quyết định này có nhiều điểm bất hợp lý, nhưng hiệu quả chế tài lại không cao. Không còn cách nào khác, các công ty QC trong nước phải vận động để tự nuôi sống mình trước đã, rồi tìm kiếm cơ hội phát triển...

 

Theo Người Lao động