1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam và cơ hội phục hồi sau đai dịch

Trường Thịnh

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế tác động tới việc làm và sinh kế của mỗi hộ gia đình. Một năm trở lại đây, Chính phủ và Bộ Tài chính của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vẫn đang tìm cách phục hồi sau đại dịch..

Ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam và cơ hội phục hồi sau đai dịch - 1
Ông Matt Kovac, Giám đốc Điều hành, Food Industry Asia.

Tuy Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng số ca bệnh do biến thể Delta lan rộng trên toàn cầu, quốc gia này vẫn được xem là một ví điển hình cho khả năng chống dịch thành công vào thời điểm năm ngoái, nhờ các biện pháp xét nghiệm có chọn lọc và cách ly y tế tập trung. Chính điều này đã giúp nền kinh tế giữ được đà tăng trưởng; GDP của Việt Nam đạt 2,91% trong năm 2020, ngay thời điểm các nền kinh tế khác trong khu vực đang thu hẹp.

Ngành nông nghiệp thực phẩm đóng một vai trò quan trọng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế liên tục này. Theo một báo cáo do Oxford Economics công bố hồi đầu tháng 4 mang tên Tác động kinh tế của ngành nông nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam đã đóng góp 86,4 tỷ USD vào GDP trong năm 2019, tương đương mức đóng góp 26% vào GDP toàn quốc, cung cấp 27,5 triệu việc làm, chiếm một nửa lực lượng lao động trên cả nước. Ngành nông nghiệp thực phẩm cũng đóng góp tổng cộng 13,2 tỷ USD vào thu nhập thuế của Việt Nam.

Ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam và cơ hội phục hồi sau đai dịch - 2
Ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam đã đóng góp 86,4 tỷ USD vào GDP trong năm 2019, tương đương mức đóng góp 26% vào GDP toàn quốc (Theo một báo cáo do Oxford Economics công bố).

Đáng chú ý hơn cả, ngành nông nghiệp thực phẩm có khả năng chống chịu cao ngay cả trong đại dịch Covid-19, đạt mức tăng trưởng 4% vào năm 2020, tương đương mức đóng góp tăng 3,7 tỷ USD vào GDP toàn quốc. Ma trận phục hồi kinh tế (Economic Recovery Matrix) trong cùng báo cáo của Oxford Economics đánh giá cao khả năng thúc đẩy phục hồi kinh tế của ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam, hiện đang xếp thứ 2 trên 10 quốc gia, chỉ sau Singapore.

Điều đó cho thấy, ngành nông nghiệp là một mũi nhọn kinh tế và là trụ cột quan trọng của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta cần luôn lưu tâm rằng, khi ngành nông nghiệp thực phẩm của Việt Nam vẫn duy trì khả năng chống chịu cao trước những thách thức của đại dịch, những biến thể virus mới, rủi ro cung cầu và tài khóa vẫn là mối đe dọa làm gián đoạn đà tăng trưởng của ngành nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Tầm quan trọng của sự hợp tác đa ngành

Để phát triển trong trạng thái bình thường mới, trước tiên, Chính phủ Việt Nam và ngành nông nghiệp thực phẩm cần hợp tác chặt chẽ để tạo ra một môi trường thương mại thuận lợi, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực luôn công khai, minh bạch và có thể dự trù trước. Điều này sẽ tạo nền móng cho một mạng lưới thực phẩm đáng tin cậy và đảm bảo nguồn cung thực phẩm, nguyên liệu cho mọi người - cả ở cấp độ người tiêu dùng và đơn vị sản xuất.

Ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam và cơ hội phục hồi sau đai dịch - 3
Cần có sự hợp tác đa ngành để đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho cả người tiêu dùng và đơn vị sản xuất.

Để có những biện pháp tài khóa thành công, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách phải thường xuyên trao đổi với các bên liên quan để luôn được trang bị kiến thức chuyên môn, đồng thời có những hỗ trợ kịp thời, cho phép họ phát triển các chính sách và chương trình có hiệu quả, giúp đạt được những mục tiêu cao hơn.

Tận dụng nông nghiệp thông minh

Nông nghiệp hiện chiếm gần 2/3 tỷ trọng đóng góp của ngành nông nghiệp thực phẩm vào GDP của Việt Nam, và được ước tính sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2020. Điều này không chỉ cho thấy rõ tầm quan trọng của ngành đối với nền kinh tế nói chung mà còn nhấn mạnh nhu cầu đầu tư lớn cho công nghệ và phát triển kĩ năng mới, đồng thời nâng cao tầm quan trọng của việc đưa nông nghiệp thông minh áp dụng tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng phục hồi và tăng cường hiệu quả cho chuỗi giá trị thực phẩm truyền thống vốn sử dụng nhiều lao động tại Việt Nam.

Ngành nông nghiệp thực phẩm Việt Nam và cơ hội phục hồi sau đai dịch - 4
Cần đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao.

Chuyển đổi ngành nông nghiệp Việt Nam thành một lĩnh vực tăng trưởng cao sẽ giúp đất nước tiến lên hậu đại dịch. Trên hết, việc áp dụng các công nghệ và giải pháp sáng tạo giúp nâng cao năng suất, giảm thiểu chi phí và thực hiện các quy tắc cảnh báo sớm.

Những tháng cuối của năm 2021 được dự báo còn nhiều khó khăn cho ngành nghiệp thực phẩm và nền kinh tế toàn quốc. Đại dịch sẽ còn gây thiệt hại lớn đến đâu, phụ thuộc phần nhiều vào các phản ứng chính sách trong ngắn, trung và dài hạn. Hiện vẫn còn nhiều cơ hội để nâng cao khả năng phục hồi, tính bền vững và năng suất của ngành. Đổi lại, Việt Nam thậm chí có thể vươn lên mạnh mẽ hơn cả thời gian trước cuộc khủng hoảng toàn cầu. Để đạt được mục tiêu này, những cách tiếp cận chính sách vì tăng trưởng phải được thực hiện dưới sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và ngành nhằm xây dựng và đưa ra những chính sách ưu tiên giúp định hướng vững chắc cho nền kinh tế Việt Nam.

Tác giả: Matt Kovac, Giám đốc Điều hành, Food Industry Asia