Ngành ngân hàng đối phó vấn nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố

Ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN khẳng định: “Quản trị rủi ro hoạt động, hòng chống rửa tiền - tài trợ khủng bố là nhiệm vụ quan trọng của các ngân hàng, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế".

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và VietinBank tổ chức Hội thảo Ngành Ngân hàng “Quản lý rủi ro hoạt động và phòng chống rửa tiền theo thông lệ quốc tế, thực tiễn triển khai tại các ngân hàng thương mại Việt Nam”.

Rủi rõ trong hoạt động ngân hàng luôn tiềm ẩn

Hội thảo đã tổng quát bức tranh quản trị rủi ro hoạt động (RRHĐ), chia sẻ kinh nghiệm của các định chế tài chính lớn hàng đầu tại Việt Nam cũng như những nhận định về thách thức của các chuyên gia nước ngoài đối với vấn đề ứng xử quản trị rủi ro tại Việt Nam, những xu hướng và sự ảnh hưởng của các yếu tố như: Sự phát triển của CNTT, xu hướng M&A cũng như các yếu tố từ bên ngoài ảnh hướng đến sự phát triển bền vững của Ngành Ngân hàng Việt Nam.

Báo cáo của hệ thống kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và cơ quan độc lập trong gian đoạn vừa qua chỉ ra mức độ phức tạp của RRHĐ trong đó có rủi ro tác nghiệp, rủi ro từ cơ chế, quy trình, chính sách, mô hình. Cùng với đó là rủi ro công nghệ thông tin, an ninh dữ liệu, rủi ro từ các sự kiện bên ngoài gây ra và đặc biệt nghiêm trọng đó là rủi ro từ gian lận nội bộ.

Khảo sát của tổ chức KPMG năm 2013 đánh giá về chất lượng quản lý rủi ro cho thấy các công cụ và quy trình kiểm soát rủi ro thanh khoản được đánh giá tốt nhất (79%), rủi ro tín dụng và thị trường được đánh giá tốt thứ hai (68%) nhưng RRHĐ, phòng chống rửa tiền - tài trợ khủng bố (PCRT - TTKB) được cho là đáng quan ngại nhất (chỉ 57%).

Ngành ngân hàng đối phó vấn nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố
VietinBank hiện là một trong những ngân hàng tiên phong trong phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ông Phạm Huyền Anh - Phó Chánh thanh tra Cơ quan thanh tra giám sát NHNN khẳng định: “Rủi ro trong hoạt động, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng luôn luôn tiềm ẩn. Quản trị RRHĐ, PCRT - TTKB là nhiệm vụ quan trọng của các ngân hàng, đặc biệt khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với quốc tế”.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng Giám đốc VietinBank phụ trách công nghệ thông tin (CNTT) cho biết thêm: “Cách đây 10 - 15 năm khi nói về bảo mật, chúng ta nói về Firewall về phần mềm Anti-virus, về việc mở cổng IP, Ports. Tuy nhiên, thách thức ngày càng lớn khi những tấn công nhắm vào ngân hàng ngày càng phức tạp, quy mô hơn. Do đó các ngân hàng cần tiếp tục đầu tư nâng cấp an toàn bảo mật, giám sát giao dịch, công cụ để phân tích các dữ liệu phục vụ điều tra gian lận, quản lý thay đổi, quản lý truy cập, đánh giá định kỳ rủi ro CNTT…”

Bà Hinke Visser - Chuyên gia về Tội phạm tài chính, khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Deloitte cho rằng: “Thách thức đối với các tổ chức tín dụng hiện nay là khối lượng khách hàng và giao dịch rất lớn đi kèm với những quy định mới và thường xuyên thay đổi. Vì vậy, các tổ chức cần tăng cường kiểm tra tính hiệu quả và hiệu năng của các công cụ sàng lọc nhằm đưa ra môi trường tuân thủ luật định mang lại hiệu quả chi phí hơn”.

Bà Vũ Hương Mai - Trưởng phòng quản lý RRHĐ của Vietcombank cho biết: “Tuân thủ Basel II là một thách thức lớn với các ngân hàng nếu không xác định rõ mục tiêu và phương thức triển khai. Văn hóa rủi ro có tính quyết định cho việc triển khai quản lý RRHĐ thành công tại các ngân hàng. Việc duy trì và phát huy văn hóa doanh nghiệp thúc đẩy cho quản lý RRHĐ hiệu quả không phải là một chương trình ngắn hạn”.

Liên quan đến rủi ro trong hoạt động M&A, ông Vinay Khandhar chuyên gia cao cấp từ KPMG cho rằng những yếu tố RRHĐ bao gồm những nhóm rủi ro chính (con người, quy trình, hệ thống, sự kiện bên ngoài…) dẫn đến những thất bại sẽ là những thách thức mà các nhà quản lý Việt Nam cũng như các ngân hàng hiện đang có những chiến lược sáp nhập hay đã thực sáp nhập với các định chế tài chính khác cần lưu tâm.

Bà Bùi Như Ý - Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: “Cùng với đối tác chiến lược Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ - ngân hàng hàng đầu Nhật Bản, VietinBank đã nâng cấp phương thức quản trị RRHĐ theo các nguyên tắc và thông lệ tốt nhất, tiếp tục là bước củng cố vững chắc hơn nữa cho nền tảng quản lý RRHĐ phát triển. Kết quả hết sức khích lệ khi VietinBank có những bước chuyển mình thay đổi về chất: Thực hành nguyên tắc về quản trị, nhận diện đo lường và giám sát RRHĐ, nguyên tắc về văn hóa và con người”.

Bà Bùi Như Ý - Phó Tổng Giám đốc
VietinBank tham luận tại hội thảo

Bà Bùi Như Ý - Phó Tổng Giám đốc VietinBank tham luận tại hội thảo

Còn ông Bùi Mạnh Hưng - Giám đốc quản lý RRHĐ Ngân hàng TMCP Hàng hải - chia sẻ những kinh nghiệm mà ngân hàng TMCP Hàng hải đã áp dụng trong quá trình triển khai về việc tính vốn cho RRHĐ. Theo ông Hưng, đây là một trong những nội dung trọng yếu để các NHTM Việt Nam có thể đạt được theo chuẩn mực Basel 2, thể hiện năng lực, trình độ của một số ngân hàng hiện nay đã sẵn sàng và có khả năng có thể đáp ứng được chuẩn mực quốc tế thông dụng chung của khu vực.

Đối phó với vấn nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố ngày càng tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát. Lộ trình hội nhập hệ thống ngân hàng quốc tế đòi hỏi các ngân hàng Việt Nam hoàn thiện năng lực quản lý rủi ro và tuân thủ, đặc biệt là công tác PCRT - TTKB.

Ông Nguyễn Văn Ngọc - Cục trưởng Cục phòng chống rửa tiền NHNN đã giới thiệu biện pháp KYC (xác minh và ghi lại đặc điểm nhận dạng khách hàng, người hưởng lợi và các bên liên quan đến khách hàng). KYC là biện pháp phòng ngừa quan trọng và là một cấu phần đặc biệt trong việc phát hiện các giao dịch đáng ngờ, đáp ứng chuẩn mực quốc tế về AML/CFT, theo quy định của pháp luật về PCRT - TTKB.

Ông Hà Hoàng Dũng - Giám đốc quản lý RRHĐ Ngân hàng Quốc tế VIB cho rằng những Hội thảo như ngày hôm nay là rất cần thiết. Ông Dũng đề xuất NHNN sớm có thông tư hướng dẫn và lộ trình triển khai về quản lý RRHĐ tiệm cận chuẩn mực Basel 2, nâng cao vai trò của Hiệp hội ngân hàng trong việc đầu mối phối hợp với các ngân hàng thương mại Việt Nam trong vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu ngành ngân hàng Việt Nam.

Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam - bà Trần Thị Hồng Hạnh đánh giá Hội thảo được tổ chức với những nội dung rất thiết thực và bổ ích đem lại nhiều thông tin cho cơ quan quản lý, hiệp hội ngân hàng Việt Nam. Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ nghiên cứu, phối hợp với các Ngân hàng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản trị RRHĐ tham khảo mô hình các nước tiên tiến trong khu vực về cơ sở dữ liệu những người làm nghề ngân hàng để quản trị vấn đề rủi ro đạo đức, rủi ro nhân sự tại thị trường Việt Nam.

                                                                        Khanh Vy


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”