Ngành điện: “Đã đến lúc phải xem lại giá điện”

(Dân trí) - Liên quan đến việc thiếu điện hiện nay, tại Hội nghị triển khai 6 tháng nhiệm vụ cuối năm của Bộ Công Thương sáng 6/7, các doanh nghiệp làm điện đều cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại giá điện, nếu không chẳng doanh nghiệp nào dám đầu tư vào ngành điện.

Ngành điện: “Đã đến lúc phải xem lại giá điện” - 1
Thiếu điện có phải do giá điện? (ảnh minh họa)
 
Thiệt hại về thiếu điện không chỉ tính bằng tiền
 
Tình hình cung cấp điện tiếp tục được dự báo là khó khăn do hệ thống điện vừa phải huy động tối đa các nguồn điện phục vụ cho cung ứng ở mức cao nhất, vừa sớm khắc phục các sự cố để các nhà máy nhiệt điện hoạt động ổn định.
 
Bởi vậy, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010, tại hội nghị, hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đều tập trung vào việc ngành điện phải bảo đảm điện cho sản xuất và xuất khẩu, có như vậy các đơn vị mới có thể hoàn thành được kế hoạch cả năm.
 
Tổng Giám đốc Tập đoàn công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hoà còn đề xuất được đầu tư hệ thống điện riêng trong các mỏ than hầm lò để đảm bảo an toàn cho sản xuất than trong điều kiện điện lưới quốc gia gặp sự cố và tình trạng cắt điện thường xuyên xảy ra.
 
Theo ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), thống kê kinh nghiệm trên thế giới, cứ mất một đồng doanh thu của điện thì tương đương với 2,5 - 3 đồng thiệt hại cho xã hội.
 
Ở Việt Nam, mức độ ảnh hưởng về xã hội còn lớn hơn nhiều, thậm chí có những thứ không thể tính bằng tiền được, nhất là khi cắt điện vào mùa nóng. Lý giải cho việc thiếu điện này, lãnh đạo ngành điện cho rằng có liên quan đến giá điện bình quân trong nước quá thấp, không hấp dẫn các nhà đầu tư suốt một thời gian dài vừa qua.
 
Hiện giá điện chỉ gần 5,3 cent/kwh (tương đương là 1.059 đồng/kwh) thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi để có lãi cho các nhà đầu tư thì phải với mức giá bình quân trên 8 cent/kwh.
 
“Nếu cứ nói làm theo thị trường thì với giá bán quá thấp như hiện nay sẽ không thu hút được đầu tư vào ngành điện” - ông Hưng khẳng định.
 
Đồng tình với ý kiến trên, các doanh nghiệp làm điện đều cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại giá điện chứ không doanh nghiệp nào dám đầu tư vào ngành điện.
 
“Có thể là chỉ trợ cấp vài chục số đầu cho người nghèo, còn lại sau đó phải điều chỉnh nếu không quy hoạch điện tới đây khó thực hiện được”, Tổng Giám đốc TKV Trần Xuân Hoà nói.
 
Ngành điện không độc quyền!
 
Bên lề hội nghị, ông Hưng chia sẻ , với nhu cầu ngày càng tăng và tình hình hạn hán nghiêm trọng, EVN đã huy động toàn bộ công suất để phát điện kể cả mua ngoài giá cao, trong 6 tháng qua, EVN đã chịu lỗ khoảng 4.700 tỷ đồng, việc thiếu điện không phải do EVN độc quyền.
 
Bởi tính đến thời điểm này, EVN đã cổ phần hóa 9 nhà máy điện như Cát Bà, Phả Lại, Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Vũng Áng… Hiện EVN còn lại 18 nhà máy, tổng công suất của 18 nhà máy này trên tổng công suất hơn 40 nhà máy toàn quốc của cả PVN, TKV chỉ chiếm 47%. Nhìn xa hơn, tính đến 2015 thì EVN chỉ chiếm 37,5 % tổng công suất ngành điện.
 
Cũng theo vị lãnh đạo này, nên thành lập một công ty mua bán điện riêng trực thuộc một cơ quan Nhà nước nào đấy mà không phải trực thuộc EVN. Như vậy khâu phát điện không phải EVN độc quyền, khâu mua bán điện không còn độc quyền để dư luận nhìn nhận khách quan hơn.
 
Trước tình trạng có nhiều thủy điện của tư nhân xây dựng nhưng khó bán cho EVN, lãnh đạo EVN giải thích rằng: Không phải EVN không mua điện của những nhà máy tư nhân nhưng cái chính là họ bán với giá nào mà thôi. Nếu mình mua cao thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.
 
Một vấn đề nữa cũng rất được chú ý là theo kế hoạch từ năm 2013, Việt Nam phải nhập khẩu than. “Vậy bài toán ở đây là ngành điện có đủ tiền mua than giá cao hay không, do đó phải cân nhắc xem nhập than ở mức giá nào và sẽ bán lại với giá điện nào” - ông Hưng đưa ra ý kiến.
 
Lan Hương