Ngân sách “suýt” mất hơn 2,6 tỷ đồng vì doanh nghiệp khai sai mã số hàng hóa

(Dân trí) - Các sản phẩm dầu công nghiệp có mức thuế suất thuế nhập khẩu là 18% và 20% nhưng Công ty Liên Minh lại khai sai mã số hàng hóa dẫn đến mức thuế suất thuế nhập khẩu chỉ còn 5% và thiếu số thuế phải nộp hơn 2,6 tỷ đồng.

Ngân sách “suýt” mất hơn 2,6 tỷ đồng vì doanh nghiệp khai sai mã số hàng hóa - 1

Công ty TNHH máy công cụ Liên Minh là đơn vị chuyên phân phối các sản phẩm của Blaser Swisslube.

Ngày 3/9, Cục Hải quan TPHCM cho biết, đơn vị này đã có kết luận thanh tra tại Công ty TNHH máy công cụ Liên Minh (đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM).

Doanh nghiệp này có vốn điều lệ là 8 tỷ đồng và do ông Dư Hồng Tường làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Theo văn bản kết luận của hải quan, từ ngày 1/1/2014 đến 31/12/2018, Công ty Liên Minh đã thực hiện đăng ký và khai báo 530 lô hàng nhập khẩu. Công ty này là nhà phân phối các mặt hàng dầu bôi trơn làm mát dùng trong phạm vi gia công cơ khí, cắt gọt kim loại có thương hiệu Blaser Swisslube (S) PTE LTD.

Mặt hàng nhập khẩu của Công ty Liên Minh chủ yếu có xuất xứ từ Thụy Sĩ, các nước thuộc Đức, Áo, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan…

Qua kiểm tra các hồ sơ nhập khẩu mặt hàng khai báo Blasomill 10, Blasomill 22, dao cắt gọt, mũi khoan, đá mài kim loại thì Công ty Liên Minh đã khai báo và thực hiện thủ tục hải quan đúng quy định.

Riêng 8 mặt hàng khai báo “dầu bôi trơn, dầu cắt gọt” dùng trong ngành công nghiệp cắt gọt kim loại, gia công đúc nhựa nhôm như: Blasocut 2000 Universal, Blasocut 2000 CF, Blasocut 4000 Strong, B-COOL 755, B-COOL 9665, Blasocut GR50, Grindex 10, Grindex 10 CO được Công ty Liên Minh khai báo vào mã số 3403.11.11 và 2710.19.43 có thuế suất thuế nhập khẩu là 5%, thuế GTGT là 10%.

Thế nhưng, qua xác minh, đối chiếu, căn cứ vào các quy định hiện hành thì lực lượng hải quan xác định mã số phù hợp của các mặt hàng nói trên là 34.03.19.19 và 34.03.99.19 có mức thuế suất thuế nhập khẩu tương ứng là 18% và 20%.

Ngân sách “suýt” mất hơn 2,6 tỷ đồng vì doanh nghiệp khai sai mã số hàng hóa - 2

Sản phẩm Blasocut 2000 Universal.

Việc thay đổi mã số, thuế suất của các mặt hàng dẫn tới chênh lệch thuế tăng hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, thuế nhập khẩu là gần 2,37 tỷ đồng và thuế GTGT là hơn 240 triệu đồng.

Căn cứ vào tài liệu hồ sơ do Công ty Liên Minh cung cấp, hồ sơ chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan và các văn bản quy định của pháp luật thì Cục Hải quan TPHCM kết luận: Công ty Liên Minh khai báo không đầy đủ tên hàng, khai sai mã số hàng hóa, thuế suất thuế nhập khẩu, trị giá tính thuế dẫn đến tổng số thuế chênh lệch phải nộp là hơn 2,6 tỷ đồng.

“Đến thời điểm hiện tại, hành vi khai sai mã số, thuế suất dẫn đến ảnh hưởng số thuế phải nộp nêu trên chưa có cơ sở khẳng định công ty có hành vi cố tình trốn thuế do đó phải bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Yêu cầu công ty khẩn trương nộp số tiền thuế ấn định, tiền phạt chậm nộp và tiền phạt vi phạm hành chính nên trên vào ngân sách Nhà nước”, văn bản của Cục Hải quan TPHCM nêu rõ.

Ngân sách “suýt” mất hơn 2,6 tỷ đồng vì doanh nghiệp khai sai mã số hàng hóa - 3

Các sản phẩm dầu bôi trơn, làm mát dùng trong gia công cơ khí, cắt gọt kim loại đang được nhiều doanh nghiệp sử dụng.

Ngoài ra, Cục Hải quan TPHCM cũng đã yêu cầu xử lý các cán bộ, công chức có liên quan đến vụ việc.

Theo đó, Cục đã chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tổ chức xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của cán bộ công chức đã chấp nhận thông quan, chấp nhận mã số hàng hóa khai báo các lô hàng nhập khẩu mà không yêu cầu khai báo bổ sung thành phần, hàm lượng, công dụng…dẫn đến không phát hiện sai phạm, thiếu các khoản thuế nêu trên.

Cục Hải quan thành phố yêu cầu báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm cán bộ công chức về Phòng Tổ chức cán bộ (Cục Hải quan TPHCM) để xem xét kỷ luật trong quý 3 năm 2019.

Đại Việt