Ngân hàng Trung Quốc can thiệp sau loạt vỡ nợ của các doanh nghiệp nhà nước
(Dân trí) - Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc có thể can thiệp sau một số vụ vỡ nợ trái phiếu gần đây của các công ty nhà nước Trung Quốc.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể can thiệp sau một số vụ vỡ nợ trái phiếu gần đây của các công ty có mối quan hệ mật thiết với nhà nước Trung Quốc, theo Hao Hong của Bank of Communications International.
"Trong vài tuần qua, tình hình vỡ nợ của các doanh nghiệp đang trở nên nghiêm trọng và rõ ràng hơn", ông Hong, giám đốc điều hành và trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty, chia sẻ. Ông cũng cho biết không hề bất ngờ khi PBOC can thiệp vào.
Trả lời CNBC, ông Hong cho biết: "PBOC đang cố gắng duy trì đủ thanh khoản để tránh rủi ro hệ thống".
Đầu tháng 11, công ty khai thác than thuộc sở hữu nhà nước Yongcheng Coal and Power đã vỡ nợ trái phiếu trị giá 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 152,01 triệu USD), khiến các nhà đầu tư mất cảnh giác do công ty này xếp hạng AAA bởi một cơ quan trong nước. Tiếp nối theo là hàng loạt các vụ vỡ nợ khác, bao gồm nhà sản xuất chip Tsinghua Unigroup do chính phủ hậu thuẫn.
PBOC trước đó đã cảnh báo trong báo cáo ổn định tài chính của mình rằng các yếu tố như việc phụ thuộc vào việc vay nợ để trả nợ của một số công ty lớn có thể gây rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế.
Khi được hỏi khi nào những lo ngại về thị trường trái phiếu có thể giảm bớt, Hong nhấn mạnh "một đợt đặt mua rất lớn từ những người mua không xác định" vào thị trường ngày hôm qua để "bổ sung" các trái phiếu có vấn đề - một hoạt động thường liên quan đến các tổ chức liên quan đến chính phủ.
Sự căng thẳng về tình trạng vỡ nợ bắt đầu bùng phát trở lại trong khoảng thời gian gần đây, khi một số công ty lớn của Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính trong bối cảnh chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Những lo ngại về cuộc khủng hoảng tín dụng tại China Evergrande Group đã lan rộng khắp thị trường châu Á, trong khi chính quyền cấp tỉnh tại Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch tái cơ cấu để giải quyết các vấn đề về nợ tại 1 nhà sản xuất ô tô nhà nước có liên kết với BMW hồi đầu tháng này.
Ông cũng so sánh tình hình hiện nay so với "cuộc khủng hoảng thanh khoản chưa từng có" của Trung Quốc vào năm 2013, khi lãi suất thị trường tiền tệ tăng vọt và lãi suất ngắn hạn chạm mức cao kỷ lục.
"Trong thời gian đó, lãi suất gần 50%", ông Hồng nói. "Chúng tôi đã không thấy mức lãi suất như vậy trong nhiều năm kể từ đó."
Ngành ngân hàng có trị giá 45 nghìn tỷ USD của Trung Quốc trong năm nay hiện đã và đang phải đối mặt với đợt sụt giảm lợi nhuận tồi tệ nhất trong hơn 1 thập kỷ, sau khi đặt mục tiêu trợ giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn và mở các gói kích thích kinh tế lên hàng đầu.