Liên tiếp doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ, thị trường nợ Trung Quốc chao đảo

(Dân trí) - Việc hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tuyên bố vỡ nợ trong tình hình kinh tế nước này vừa mới có những chuyển biến tích cực đã giáng cú đòn mạnh vào tâm lý thị trường.

Các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu, nhiều công ty phải hủy niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hàng loạt các vụ vỡ nợ

Liên tiếp doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ, thị trường nợ Trung Quốc chao đảo - 1

Với làn sóng vỡ nợ hàng loạt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Trung Quốc, các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã buộc phải hủy phát hành. 

Theo Nikkei Asian Review, tính đến sáng ngày 19/11, đã có ít nhất 57 công ty Trung Quốc tạm dừng kế hoạch phát hành, thiệt hại lên tới 44,2 tỷ NDT (khoảng 6,72 tỷ USD) chứng khoán thu nhập cố định trên thị trường nội địa.

Trước đó, vào hôm 23/10, thị trường nợ Trung Quốc đã dậy sóng khi tập đoàn lớn Huachen Automotive - công ty mẹ thuộc sở hữu nhà nước của Brilliance China Automotive Holdings, đối tác liên doanh của BMW tại Trung Quốc - đã tuyên bố không thể trả nợ cho các chủ nợ sau khi trái phiếu đến thời điểm đáo hạn.

Tiếp sau Huachen, một loạt các công ty quốc hữu khác của Trung Quốc cũng tuyên bố không thể trả nợ, trong đó có nhà sản xuất chip điện tử Tsinghua Unigroup. Vào hôm 10/11, vụ vỡ nợ của Yongcheng Coal and Power Holding Group - công ty nhà nước tại tỉnh Hà Nam - lại một lần nữa mang đến cú sốc cho thị trường.

Mới đây nhất, vào hôm 18/11, An International Financial Leasing (thuộc tập đoàn tài chính Ping An Insurance Group) ngừng phát hành 2,6 tỷ NDT (395 triệu USD) trái phiếu có kỳ hạn 240 ngày. Đại diện công ty cho biết nguyên nhân là do biến động tương đối lớn trên thị trường trong thời gian gần đây”.

Liên tiếp doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ, thị trường nợ Trung Quốc chao đảo - 2
Tập đoàn sản xuất thiết bị điện tử TCL tuyên bố giá phát hành không đạt kỳ vọng. Ảnh: Getty

Tương tự, tập đoàn TCL Technology cũng hủy phát hành 1 tỷ NDT (152,04 triệu USD) trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lý do tương tự. Ngoài ra, nhà sản xuất thiết bị điện tử cho biết “giá phát hành không đáp ứng được kỳ vọng của họ”. Trong bối cảnh biến động thị trường, các nhà đầu tư yêu cầu giảm giá sâu hơn so với mức mà TCL chấp nhận.

Cũng chính nhu cầu sụt giảm từ các nhà đầu tư đã lấy đi “phao cứu sinh” của Pingxiang Changxing Investment. Hôm 13/11, công ty đã gia hạn thời gian đăng ký thêm một tiếng. Tuy nhiên, các đăng ký hợp lệ vẫn không đạt số lượng tối thiểu 200 triệu NDT (30,41 triệu USD). Trước đó, công ty đặt mục tiêu 400 triệu NDT (60,82 triệu USD) trái phiếu 7 năm.

Áp lực lên thị trường

Hôm 19/11, ông Shaun Roache - chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings - đưa ra nhận định cho rằng, việc thắt chặt kiểm soát đã tạo áp lực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. “Việc thắt chặt là lành mạnh cho nền kinh tế về lâu dài. Tuy nhiên, nó làm giảm tốc độ tăng trưởng trong năm nay và năm tới”, ông Roache bình luận.

“Các vụ vỡ nợ diễn ra ngày càng nhiều. Hiện nay, chính quyền Trung Quốc đang tái tập trung vào việc giảm đòn bẩy của các doanh nghiệp nhà nước khi đỉnh dịch đã qua”, chuyên gia tài chính Chang Li chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, bê bối của Yongcheng đã giáng đòn tâm lý lớn vào thị trường trái phiếu. Công ty không thể trả khoản lãi và gốc trị giá 1 tỷ NDT (152,04 triệu USD). Điều đáng nói là Yongcheng được China Chengxin International Credit Rating xếp hạng tín nhiệm AAA.

Theo ông Li nhận định, định vụ vỡ nợ của Yongcheng là một lời cảnh báo cho thị trường. Nó cho thấy ưu tiên của chính quyền địa phương đã thay đổi. Khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, việc xóa nợ và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ được tăng tốc.

Điều này khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo trái phiếu đang nắm giữ và ngừng đổ tiền vào những trái phiếu mới phát hành.

Thắt chặt kiểm soát

Liên tiếp doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ, thị trường nợ Trung Quốc chao đảo - 3
Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Ảnh: Getty

Đón đầu làn sóng vỡ nợ, giới chức Trung Quốc cũng buộc phải kiểm soát chặt chẽ hơn đối với những đợt phát hành trái phiếu mới. Hiện nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang kiểm soát, giao nhiệm vụ cho Hiệp hội Nhà đầu tư tổ chức Thị trường tài chính Quốc gia nhằm điều tra các tổ chức tài chính, cơ quan tín dụng và kế toán có liên quan đến trái phiếu của Yongcheng.

Vào hôm 18/11, tổ chức này thông báo đã tìm thấy bằng chứng sơ bộ, cáo buộc Haitong Securities và các công ty con hỗ trợ phát hành trái phiếu bất hợp pháp và thao túng thị trường. Một ngày sau đó, hiệp hội cũng cho biết đang tiến hành điều tra Ngân hàng Công nghiệp, Ngân hàng China Everbright, Ngân hàng Zhongyuan, cơ quan tín dụng Chengxin và công ty kế toán Xigema.

Greenland Holdings - một công ty bất động sản có vốn nhà nước - là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Công ty mới phải tổ chức một cuộc họp với các nhà đầu tư để bác bỏ thông tin về rủi ro vỡ nợ.

Một số nhà đầu tư cảnh báo rằng thị trường trái phiếu quốc tế chính phủ (trái phiếu chính phủ được phát hành bằng ngoại tế) cũng bị ảnh hưởng.

“Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bơm thanh khoản để xoa dịu thị trường. Tuy vậy, cần có nhiều hành động hơn được diễn ra trước khi làn sóng tràn sang hệ thống tài chính lớn, gây tổn hại cho nền kinh tế”, chuyên gia Michelle Lam tại Societe Generale nói. “Cần phải kiềm soát rủi ro. Các cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng ngân hàng và doanh nghiệp có khả năng tiếp cận thanh khoản đầy đủ”.

Thông qua quá trình cho vay trung hạn, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm 800 tỷ NDT (121,64 tỷ USD) vào thị trường liên ngân hàng hôm 16/11. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn cảm thấy quan ngại trước làn sóng vỡ nợ.

“Vấn đề trước mắt mà các nhà chức trách cần giải quyết đó là lấy lại uy tín của chính quyền địa phương. Đây hoàn toàn là một dạng rủi ro tài chính mới và thị trường nợ đang rất chật vật vì nó”, ông Logan Wright – giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group nhận định. “Làn sóng vỡ nợ đang lan rộng, giới đầu tư chính vì thế cũng dám kỳ vọng quá nhiều vào các công ty quốc hữu như trước đây.”