Ngân hàng Trung Quốc bị Mỹ “cấm cửa” vì giúp Triều Tiên rửa tiền
(Dân trí) - Hoa Kỳ đã loại trừ ngân hàng Đan Đông của Trung Quốc ra khỏi hệ thống tài chính nước này vào hôm qua (2/11) khi buộc tội rằng ngân hàng này đã giúp Bắc Triều Tiên trốn tránh các biện pháp trừng phạt tài chính để rửa tiền.
Hôm nay (3/11), Washington đã cảnh báo các ngân hàng khác rằng họ có kế hoạch hành động. Lãnh đạo Mỹ cũng yêu cầu Bắc Kinh hành động nhiều hơn để Bắc Triều Tiên ngừng việc phát triển tên lửa hạt nhân có khả năng nhằm vào các thành phố của Mỹ.
Bên cạnh đó, trong chuyến thăm châu Á của mình vào tuần tới, Tổng thống Trump sẽ nói thông điệp này với ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, nhưng có vẻ như Trung Quốc chỉ đang miễn cưỡng thực hiện các lệnh trừng phạt nhằm làm mất ổn định đất nước của ông Kim Jong Un.
Tuy nhiên, Washington cũng đang dần tăng cường các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các tổ chức nước ngoài như Ngân hàng Đan Đông khi bị buộc tội hình thành các quỹ bất hợp pháp.
Theo South China Morning Post, thông tin này có thể gây chấn động Trung Quốc, song các nhà bình luận cho rằng đây là cách duy nhất để Mỹ chống lại Bình Nhưỡng, nhưng quan trọng hơn là nhằm xem xét lại chiến lược của Bắc Kinh.
“Các ngân hàng và doanh nghiệp trên toàn thế giới phải cảnh giác trước những nỗ lực của Bắc Triều Tiên để tiến hành thương mại và kinh doanh bất hợp pháp”, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, ông Steven Mnuchin cho biết.
Cùng với việc cấm Ngân hàng Đan Đông hoạt động, Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng ban hành hướng dẫn mới về rủi ro và quy tắc của các ngân hàng quốc tế cho nhân viên để giúp họ phát hiện được nếu Bắc Triều Tiên xâm nhập vào nền tài chính thế giới.
Tờ South China Morning Post cho hay, các ngân hàng Trung Quốc và trên toàn thế giới đều thấy khó có thể vận hành nếu họ bị cấm khỏi hệ thống tài chính Hoa Kỳ.
Giống như các biện pháp trừng phạt tài chính, Washington cũng có thể cáo buộc Bắc Triều Tiên như một “nhà tài trợ khủng bố của nhà nước”, điều này có thể làm gia tăng áp lực lên nước này bằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chính quyền ông Trump dường như không vội vàng, bất chấp sự tức giận của ông và cả nước đối với cái chết của chàng sinh viên Otto Warmbier sau khi anh bị bỏ tù và dường như bị hãm hiếp ở Triều Tiên.
Trước đó, Tổng thống Trump đã miễn cưỡng ban hành một đạo luật vào ngày 2/8 do Quốc hội Mỹ buộc ông phải áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đối với Iran, Nga và Bắc Triều Tiên.
Một nhà lập pháp cho biết, một điều khoản của đạo luật này yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải tuyên bố trong vòng 90 ngày rằng liệu Bắc Triều Tiên có được gọi là “nhà tài trợ khủng bố” hay không.
Trước đó, tại Nhà Trắng, Cố vấn An ninh Quốc gia, ông HR McMaster đã nói rằng việc chỉ định vẫn đang được xem xét và sẽ sớm có tin tức.
Hồng Vân
Theo South China Morning Post