Ngân hàng tăng lãi suất huy động, lo giá vốn cao dịp cuối năm
(Dân trí) - Khảo sát thị trường ngân hàng chiều 30/10 cho thấy, một mặt bằng lãi suất huy động mới đang hình thành, với sự tham gia của nhiều ngân hàng và biên độ tăng lãi suất cũng mạnh hơn. Điều này dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ “té nước theo mưa”, khi người dân và doanh nghiệp cần vốn làm ăn dịp cuối năm.
Lãi suất huy động tăng cấp
Từ ngày 28/10, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với mức cộng thêm 0,2%/năm.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi thông thường, lĩnh lãi cuối kỳ, loại tiền VND được điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng, với lãi suất mới là 5,4% (lãi suất cũ là 5,2%). Bên cạnh đó, sản phẩm tiền gửi kỳ hạn ngày, kỳ hạn 91 ngày cũng tăng lãi suất lên mức 5,4%/năm.
Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần qua của ngân hàng này. Trước đó, ngày 21/10, Viet Capital Bank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 7 tháng, 8 tháng, 9 tháng, 10 tháng và 11 tháng với mức tăng 0,2%/năm ở mỗi kỳ hạn.
Khảo sát thị trường sáng nay 30/10 cho thấy, không riêng ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác cũng tăng lãi suất. Theo biểu lãi suất mới cập nhật của DongA Bank, kể từ 28/10, lãi suất huy động 1 - 2 tháng của ngân hàng áp dụng ở mức 5%/năm, tăng tới 0,4%năm so với trước; 3 - 5 tháng ở mức 5,2%/năm, tức tăng 0,5% so với mức điều chỉnh trước đó; lãi suất các kỳ hạn 6 - 8 tháng có mức 6%/năm; riêng kỳ hạn 12 tháng áp dụng mức 7%/năm.
Đây là lần thứ hai, DongA Bank điều chỉnh tăng lãi suất huy động, kể từ sau khi bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt ngày 14/8. Trước đó, vào cuối tháng 9, ngân hàng này cũng điều chỉnh với mức tăng 0,4%/năm.
Hay như tại Ngân hàng Phương Đông, các kỳ hạn dài cũng được ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 0,2%. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12, 18 và 21 tháng đã tăng từ 6,6%/năm lên 6,8 %/năm, kỳ hạn 24 tháng lãi suất tăng 0,2 %/năm, từ 6,7 %/năm lên 6,9 %/năm.
Một số ngân hàng như: Sacombank, Techcombank, LienVietPostBank… cũng đã nâng lãi suất tiền gửi thêm từ 0,2 - 0,4%/năm. Không chỉ điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, kỳ hạn dài trên 12 tháng cũng được nhiều ngân hàng nhỏ áp dụng ở mức 7,3 - 7,4 %/năm, cao hơn các ngân hàng lớn khoảng 1%/năm.
Cùng với việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng còn rầm rộ tung ra thị trường nhiều chương trình khuyến mãi bằng cách tặng quà, tặng lãi suất, rút thăm trúng thưởng…
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết, một số ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào để kích thích người dân gửi tiền, trong bối cảnh vốn đầu ra cho nền kinh tế sẽ tăng cao vào dịp cuối năm.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank, nguyên nhân của việc các ngân hàng nâng lãi suất huy động là do tăng trưởng tín dụng ấm lên, cùng với đó, tỷ giá trong quý III đã có sự biến động mạnh đã gây áp lực lên lãi suất.
Lãi suất cho vay khó giảm
Lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh tăng là tín hiệu mừng đối với người dân có dòng tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, nó lại là nỗi no của người đi vay vốn, của các doanh nghiệp cần tiền để sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.
Trong một bản đánh giá về việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động, Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) cho biết, lãi suất cho vay sẽ không giảm thêm nhiều hơn nữa khi lãi suất huy động tại một số ngân hàng vẫn tăng.
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, lãi suất cho vay bằng VND tiếp tục ổn định. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trong tháng 7, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,15% xuống còn 9,55% so với 9,7% trong tháng 7. Mức lãi suất này cũng đã giảm 0,49% tính từ đầu năm đến nay, giảm từ mức 10,04% được công bố vào cuối tháng 12/2014). Và đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong chu kì hiện nay.
Trong bối cảnh đó, TS.Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm thêm 2% lãi suất kể từ năm tới. "Hiện nay, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp lớn nhất là vấn đề lãi suất, có thể giảm lãi suất xuống được không?", TS. Trần Du Lịch kiến nghị.
“Với lạm phát dưới 2% mà phải vay trung dài dạn 9 - 10% thì liệu có thể giảm khoảng 2%, xuống 7% được không? Lãi suất này tùy thuộc tình hình thực tế, vào sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường. Năm 2016 sẽ phát hành 60.000 tỷ trái phiếu còn lại trong gói 170.000 tỷ thì liệu có thể giảm lượng phát hành để giảm nợ công?”, TS.Trần Du Lịch đặt câu hỏi.
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy: Tháng 10, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) duy trì ở mức dưới 80%; với huy động và tín dụng ngoại tệ, LDR cũng ở mức dưới 85%; những tỷ lệ này nằm trong giới hạn an toàn về thanh khoản.
Cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn chuyển dịch theo hướng tích cực với sự gia tăng tỷ trọng các khoản vay ngắn hạn. Theo số liệu của Uỷ ban, tỷ trọng dư nợ các khoản vay ngắn hạn/tổng dư nợ đã giảm dần từ mức hơn 50% trong các năm 2011, 2012, 2013 xuống mức 49,74% vào cuối năm 2014 và giảm còn 45,62% trong tháng 8/2015.
Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá, hệ số NIM tăng nhẹ, nhưng do trích lập dự phòng rủi ro tăng khiến mức sinh lời của khối ngân hàng thương mại giảm.
Nguyễn Hiền