Ngân hàng tăng lãi suất “ăn” lãi là sai lầm?
(Dân trí) - Khi ngân hàng cho vay lãi suất thấp thì doanh nghiệp (DN) làm ăn thuận lợi hơn, khả năng trả nợ tốt hơn. Trong khi đó, cho vay lãi suất cao tuy tưởng là ngân hàng hưởng lợi nhưng thực tế nguy cơ nợ xấu sẽ gia tăng do doanh nghiệp làm ăn chật vật, không có tiền trả nợ.
Trao đổi với phóng viên Dân Trí và một số phóng viên báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (26/7), đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, so với mặt bằng chung các nước trong khu vực, lãi suất của Việt Nam vẫn còn cao. Do đó, mong muốn giảm lãi suất của DN là hợp lý.
Theo ông, bản thân ngân hàng cũng muốn cho vay với mức lãi suất thấp, bởi cho vay lãi suất thấp thì rủi ro ít hơn.
“Cho vay lãi suất thấp thì DN làm ăn thuận lợi hơn và đồng nghĩa với việc khả năng trả nợ của DN tốt hơn. Trong khi đó, cho vay lãi suất cao tuy tưởng là ngân hàng hưởng lợi nhưng thực tế không phải vậy, vì khi đó DN làm ăn khó khăn, nợ xấu sẽ gia tăng. Do vậy trên thế giới, các nước đều hướng đến lãi suất thấp”, ông Ngân phân tích.
Bên cạnh đó, khi trả cổ tức cho cổ đông, bản thân DN (trong đó có ngân hàng thương mại) đều nhìn vào lãi suất huy động. Nếu tỷ lệ chia cổ tức thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng thì cổ đông sẽ “kêu” còn nếu kéo lãi suất xuống thì cổ tức chỉ được chia 4-5% thì cổ đông cũng sẽ không có ý kiến gì.
“Mặt bằng lãi suất huy động là cơ sở để cổ đông đánh giá cổ tức cao hay thấp nên bản thân DN muốn lãi suất huy động xuống và ngân hàng cũng muốn lãi suất huy động xuống vì ngân hàng cũng chịu áp lực bởi các cổ đông”, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.
Trong bối cảnh hiện nay, dư địa để giảm lãi suất tuy không nhiều nhưng theo đại biểu, việc giữ lãi suất ở mức ổn định, lâu dài là thông điệp mà DN cần.
“DN sợ vay hôm nay với mức lãi suất 8% nhưng vay trung, dài hạn 5 năm thì khoảng 2-3 năm sau nếu lãi suất điều chỉnh lên 12%-15%, DN sẽ gặp khó khăn lớn. Vì thế, miễn sao giữ mức lãi suất ổn định trong thời gian dài mới là điều mà DN quan tâm”, ông Ngân nhận xét. “Tôi vẫn đeo đuổi quan điểm giữ lãi suất thấp và cơ sở là phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô”, vị đại biểu nhấn mạnh .
Ngoài ra, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM cũng nói thêm rằng, hiện nay năng suất lao động của DN Việt Nam còn thấp so với nhiều quốc gia. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam vẫn còn thấp trong điều kiện hội nhập. Do vậy, một trong những cách để tăng năng suất lao động, sản phẩm cạnh tranh hơn là đầu tư, nâng cấp công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại.
Tuy nhiên, đầu tư vào công nghệ và máy móc thiết bị đòi hỏi vốn lớn và dài hạn, nhưng việc này sẽ gặp rủi ro từ việc lãi suất có thể biến động, cho nên DN trong nhiều năm qua rất do dự, lo rằng lãi vay sẽ tăng đột biến khi nền kinh tế biến động mạnh.
“DN tha thiết có một nguồn vốn lớn, ổn định, lâu dài và lãi suất thấp, như vậy cần có gói hỗ trợ lãi suất”, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay.
Vị đại biểu dẫn chứng, hiện nay ở TPHCM đang có vốn kích cầu, hỗ trợ đầu tư để đổi mới thiết bị và có sự hỗ trợ lãi suất của thành phố cho DN. “Đây là một chính sách rất tốt, cũng là một vốn mồi giúp DN cảm thấy mình đi không lẻ loi. Khi sự cống hiến của DN cho đất nước đã có sự đồng hành thì sẽ giúp tăng thêm niềm tin cho DN”, ông Ngân phân tích.
Theo vị đại biểu, yếu tố niềm tin rất quan trọng. Tại sao GDP không đạt mục tiêu mà số lượng DN đăng ký thành lập vẫn nhiều? Số lượng DN thành lập mới tăng 20% và vốn đăng ký mới cũng tăng trên 50%. Điều này phản ánh niềm tin của DN vào Chính phủ. “Họ nhìn thấy Chính phủ đang đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh và sẵn sàng chia sẻ với DN để cùng nhau đồng hành, cùng sự phát triển chung của đất nước”.
Ông Ngân cho rằng, cần nhân rộng mô hình như ở TPHCM. Trước đây, Chính phủ có thành lập một quỹ phát triển DN nhỏ và vừa nằm ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng đến nay việc vận hành vẫn chưa như mong đợi và khối lượng giải ngân rất nhỏ bé. Trong nhiệm kỳ tới, Chính phủ cần quan tâm đến vấn đề này hơn.
Bích Diệp