1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng quốc doanh đang mất thị phần

Sự lớn mạnh của các ngân hàng ngoài quốc doanh, đặc biệt là khối cổ phần, đang khiến miếng bánh thị phần phải cơ cấu lại. Phần của khối ngân hàng quốc doanh đang giảm đi trông thấy.

Tuy thị phần của khối ngân hàng quốc doanh vẫn chiếm áp đảo trên thị trường, nhưng sự lớn mạnh của khối cổ phần, liên doanh và sự ăn nên làm ra của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang là một thách thức lớn.

 

Tại địa bàn Hà Nội, trung tâm tài chính của cả nước, sự sụt giảm thị phần của khối ngân hàng quốc doanh (không tính đến Ngân hàng Chính sách xã hội) đang thể hiện rõ. Tính đến hết tháng 9, khối này vẫn đang chiếm tỷ trọng tới 72,7% trong tổng vốn huy động, nhưng thị phần của hầu hết các thành viên không còn nguyên vẹn so với cuối năm 2005.

 

Cụ thể, thị phần của hệ thống Ngân hàng Công thương (Incombank) đã giảm 1,26%, của hệ thống Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã giảm 1,22%. Riêng Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) và Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đang tạm giữ được phong độ ổn định.

 

Ngược lại, nỗ lực phát triển của khối ngân hàng cổ phần đã đạt được kết quả xứng đáng khi tỷ trọng huy động vốn của cả khối đã tăng thêm 1,56%.

 

Đứng đầu các ngân hàng về tỷ trọng vốn huy động vẫn là Vietcombank với 20,5%, kế đến là Agribank với 20,2%; khối cổ phần chiếm 13,5% và các ngân hàng nước ngoài chiếm 10,7%...

 

Đặc biệt các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang có tốc độ tăng vốn huy động cao nhất, từ 23 - 35%. Ấn tượng này sẽ tiếp tục thể hiện khi mà mới đây Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu cho phép một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Singapore) được phép huy động tiền gửi bằng VND.

 

Về tỷ trọng dư nợ, đáng chú ý là Vietcombank lại đứng ở vị trí rất khiêm tốn, chỉ 3,5% trong khi của Incombank là 15%, BIDV là 20,9%, Agribank là 18,4%, của khối cổ phần là 16,3% và các ngân hàng nước ngoài là 15,6%.

 

Sự chuyển dịch tất yếu

 

Sự sụt giảm thị phần của khối ngân hàng quốc doanh là một sự chuyển dịch tất yếu. Áp lực cạnh tranh từ các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng nước ngoài đang ngày một lớn.

 

Nổi bật là khối cổ phần khi liên tục có thông tin tăng vốn điều lệ. Chỉ trong quý III vừa qua, một loạt ngân hàng như Ngân hàng Gia Định, Đông Á, Ngân hàng Sài Gòn, Ngân hàng Xuất nhập khẩu… đã đồng loạt tăng vốn. Một số ngân hàng cổ phần khác như VIB Bank, Techcombank, ACB và đặc biệt là Sacombank đang có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ vào cuối năm nay. Về khía cạnh này, rõ ràng khối cổ phần đang tạo nhiều ấn tượng trên thị trường.

 

Cũng trong quý III/2006, các ngân hàng cổ phần đồng loạt khai trương các chi nhánh, phòng giao dịch mới, tạo thành những mũi nhọn trực tiếp nhất thu hút thị phần. Đó là VIB Bank, ACB, Sacombank và đặc biệt là SeABank HCM. Người dân đang ngày càng tiếp cận khối ngân hàng cổ phần thuận tiện hơn.

 

Một nỗ lực khác được các ngân hàng cổ phần đưa ra là nỗ lực xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ mới đầy tiện ích và cạnh tranh. Đó là “Tài khoản tiết kiệm đa năng” của Techcombank (cho phép rút tiền linh hoạt) hay loại hình tiết kiệm 3G của Habubank; dịch vụ “Xuất nhập khẩu trọn gói” của Eximbank hay kế hoạch “Tài trợ nhập khẩu trọn gói” của Techcombank; dịch vụ quản lý tài chính của SeABank…

 

Nhưng, hơn hết vẫn là lãi suất. Khi khoảng cách niềm tin giữa các khối ngân hàng đang ngày được rút ngắn thì quyết định gửi tiền sẽ nghiêng về lực hút lãi suất. Rõ ràng lãi suất của khối cổ phần luôn hấp dẫn hơn khối quốc doanh một bậc.

 

Cạnh tranh lãi suất đang được xem là mạch cạnh tranh nổi bật nhất giữa các ngân hàng hiện nay. Khối cổ phần luôn có lãi suất hấp dẫn vì không bị ràng buộc nhiều bởi các thỏa thuận. Áp lực này khiến một số ngân hàng quốc doanh đã phải “xé rào” hoặc lách thỏa thuận thông qua một số hình thức huy động.

 

Tại Đại hội nhiệm kỳ III của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ngày 10/8/2006, các ngân hàng vẫn thống nhất duy trì và thực hiện lãi suất thỏa thuận. Thỏa thuận đó được ấn định giữa các ngân hàng quốc doanh ở tiền gửi kỳ hạn 6 tháng là 0,65%, 12 tháng là 0,7%. Tuy nhiên, trên thực tế mức thỏa thuận lãi suất vẫn bị một số ngân hàng “bỏ qua”.

 

Thời gian gần đây, Hiệp hội Ngân hàng đã mấy lần lên kế hoạch để đại diện các ngân hàng thành viên ngồi lại với nhau nhưng không thành. Thỏa thuận lãi suất - thỏa thuận cạnh tranh khó tìm được tiếng nói chung. Nhiều ngân hàng cổ phần xem lãi suất là vũ khí cạnh tranh quan trọng của mình; có đại diện còn tuyên bố rằng sẽ không tham dự những cuộc dàn xếp nói trên của Hiệp hội ngân hàng.

 

“Chúng tôi nhận thấy lãi suất là một vũ khí cạnh tranh. Nếu cần vốn, cân đối lại lợi ích và thấy cần tăng lãi suất thì quyết định tăng. Đó là chiến lược của mỗi ngân hàng và rất khó thỏa thuận, và cũng khó có ai kìm được lãi suất”, đại diện trên nói.

 

Một số cảnh báo đưa ra rằng: Tăng lãi suất, lợi nhuận có thể giảm. Nhưng, nếu cân đối hợp lý như quan điểm của đại diện trên thì đó vẫn là một vũ khí mạnh của khối cổ phần. Thực tế chứng minh là lợi nhuận của khối này đang không ngừng tăng. Năm nay, ngay từ cuối tháng 10 này, dự báo nhiều thành viên của khối sẽ cán đích lợi nhuận trước hạn.

 

Bên cạnh áp lực từ khối cổ phần, thị phần của khối quốc doanh cũng dần bị chia sẻ bởi sự phát triển của khối ngân hàng nước ngoài. Sự chia sẻ này ngày càng lớn khi Ngân hàng Nhà nước đang dần nởi lỏng các quy định (cho phép một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài được huy động VND, được đặt máy ATM ngoài trụ sở…).

 

Theo cam kết gia nhập WTO, những ngân hàng 100% vốn ngoại sẽ có mặt, gần nhất là sau 1/4/2007; khi đó, lát cắt thị phần sẽ sâu hơn.

 

Theo T.M.Đức

VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm