1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngân hàng nhỏ lạc quan, các ông lớn lại thận trọng với kế hoạch 2020

(Dân trí) - Trong khi ngân hàng nhỏ đặt mục tiêu lạc quan, thì nhiều ông lớn ngân hàng lại dè dặt và thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2020.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các ngân hàng đã lùi kế hoạch đại hội đồng cổ đông sang tháng 6, 7 và đây cũng là thời điểm nhiều ngân hàng công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020.

Ở một số ngân hàng đã tiến hành đại hội đồng cổ đông hoặc thông qua tài liệu gửi tới cổ đông trước lúc tiến hành đại hội, chỉ tiêu kinh doanh năm nay được điều chỉnh lại ở mức dè dặt hoặc thận trọng hơn so với các mục tiêu tham vọng như vài năm trước đây.

Ngày 26/6 tới, Vietcombank tiến hành đại hội đồng cổ đông nhưng các con số về chỉ tiêu kinh doanh vẫn chưa được ngân hàng liệt kê cụ thể. Trước đó, Vietcombank vẫn luôn là ngân hàng dẫn đầu về kết quả kinh doanh, với năm 2019 con số lợi nhuận đã vượt xa ngưỡng 23.000 tỷ đồng.

Hay như với VietinBank, đại hội đồng cổ đông ngân hàng này không công bố con số mục tiêu lợi nhuận cụ thể nhưng cho biết "lợi nhuận trước thuế riêng lẻ và hợp nhất bảo đảm hiệu quả kinh doanh và cải thiện hoạt động kinh doanh, tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch Covid-19 để tính toán, xác định phù hợp với điều kiện thực tế của nền kinh tế và sẽ cập nhật kế hoạch lợi nhuận trên cơ sở phê duyệt của các cấp có thẩm quyền".

Ngân hàng nhỏ lạc quan, các ông lớn lại thận trọng với kế hoạch 2020 - 1

Nhiều ngân hàng thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm 2020 (ảnh minh họa).

Trước đó, BIDV là ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông sớm nhất, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát và kinh tế chưa bị ảnh hưởng. Ngân hàng này đặt mục tiêu lợi nhuận 12.500 tỷ đồng cho năm nay, nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn, nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh kế hoạch, bởi ngân hàng này đã dành hơn 200.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, rồi hàng trăm nghìn tỷ đồng dư nợ cũ được thực hiện cơ cấu lại, giãn nợ, miễn giảm lãi, phí... theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước.

Hay như với Techcombank, ngân hàng này vừa tổ chức đại hội đồng cổ đông ngày 20/6. Các cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2020 trên tương quan đánh giá tác động của đại dịch Covid-19; theo đó, mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với năm trước.

Theo thừa nhận của Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh, mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 1% trong năm 2020 của Techcombank là một mục tiêu khiêm tốn và có phần thận trọng.

Ông Hồ Hùng Anh cho biết: Hội đồng quản trị thận trọng về mục tiêu lợi nhuận, chỉ tăng trưởng 1% vì phải xét các yếu tố ví dụ như khách hàng không trả được lãi do ảnh hưởng của Covid-19. Thậm chí là khách hàng được gia hạn nợ thì lãi cũng sẽ bị thoái thu, việc thực hiện gia hạn nợ theo Thông tư 01 sẽ giúp nợ xấu không tăng nhưng lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.

"Techcombank cũng không phải là trường hợp ngoại lệ nên sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, đây là kịch bản thận trọng. Tôi cũng tin là nếu thuận lợi, về phục hồi kinh tế của Việt Nam và nước ngoài, thì kế hoạch sang quý 3, quý 4 có thể thay đổi, lợi nhuận năm 2020 có thể đạt được ở mức cao hơn", ông Hồ Hùng Anh nói.

Trong khi các ông lớn dè dặt và thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2020, thì một số ngân hàng cổ phần vừa và nhỏ lại lạc quan với lợi nhuận.

Ví dụ như OCB đặt mục tiêu lợi nhuận 4.400 tỷ đồng, tức tăng tới 36% so với năm ngoái; Nam A Bank với lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu đạt 1.000 tỷ đồng, được tính toán trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đạt được mức kế hoạch đề ra và phù hợp quy định, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định.

Hay như với VietABank, đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã thông qua các báo cáo và tờ trình với tổng tài sản đạt 85.079 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 405 tỷ đồng. Năm 2019, tổng tài sản ngân hàng này đạt 76.525 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 276 tỷ đồng, tăng 83% so với năm 2018...

Trước đó, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, các ngân hàng thương mại Nhà nước năm nay có thể phải hi sinh 30-40% lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.

Theo dự đoán của các công ty chứng khoán, lợi nhuận của các ngân hàng đã niêm yết trên sàn chứng khoán (18 ngân hàng) năm nay sẽ giảm ít nhất 10%.

Báo cáo cập nhật nhanh tác động của dịch Covid-19 tới ngành ngân hàng do SSI Research cũng đã điều chỉnh giảm dự báo lợi nhuận trước thuế đối với 10 ngân hàng quy mô lớn được nghiên cứu, giảm 11,1% và giảm 16,4% so với dự báo trước đây để phản ánh tác động của dịch Covid-19 đối với kịch bản cơ sở và kịch bản xấu nhất.

Trong đó, kịch bản cơ sở cho rằng, dịch bệnh sẽ được kiểm soát vào cuối quý 2/2020, trong khi đối với kịch bản xấu nhất, dịch bệnh sẽ không được kiểm soát đến cuối năm 2020. Lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng dự báo sẽ có mức tăng 7,2% và 0,8% so với cùng kỳ cho hai kịch bản được đề cập.

 An Hạ