Ngân hàng mạnh tay giảm nhanh lãi suất cho vay

(Dân trí) - Cùng với quyết định giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, kể từ hôm nay 10/7, một số ngân hàng thương mại cũng mạnh tay giảm nhanh lãi suất cho vay thêm từ 0,5 - 1%/năm.

Ngân hàng thương mại dồn dập công bố giảm lãi suất cho vay

Sáng nay 10/7, VPBank đã chính thức công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp SME đã được ngân hàng này điều chỉnh giảm từ 0,5% đến 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp, thời gian quan hệ tín dụng với ngân hàng, mức độ đa dạng các sản phẩm ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ.

Mức lãi suất mới theo các chương trình này sẽ được áp dụng kể từ ngày hôm nay, 10/7, cùng ngày với quyết định giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có hiệu lực.

Trước đó, ngày 8/7, LienVietPostBank giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên.

Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm tức là thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa NHNN mới quy định (kể từ ngày 10/7/2017, trần lãi suất cho vay đồng VND ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được áp dụng là 6,5%/năm).

Theo lý giải của ông Nguyễn Đức Hưởng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, quyết định giảm lãi suất là để giúp khách hàng có giá vốn tốt hơn, hoạt động kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.


Cùng với quyết định giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, kể từ hôm nay 10/7, một số ngân hàng thương mại cũng mạnh tay giảm nhanh lãi suất cho vay.

Cùng với quyết định giảm các mức lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, kể từ hôm nay 10/7, một số ngân hàng thương mại cũng mạnh tay giảm nhanh lãi suất cho vay.

Còn theo VPBank, "các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định, đó là cơ sở để giảm lãi suất vào thời điểm này. Quyết định giảm lãi suất lần này của chúng tôi sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ có thêm nguồn vốn hợp lý để tận dụng những cơ hội kinh doanh trong thời gian tới".

Theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về việc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng vay đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế, Eximbank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 7,0%/năm xuống còn 6,5%/năm đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế được ưu tiên. Ngoài mức lãi suất cho vay ưu đãi 6,5%/năm nêu trên, Eximbank đang triển khai gói 9.000 tỷ đồng cho các sản phẩm cho vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với từng đối tượng khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất khá cạnh tranh (dưới 7%/năm).

Cùng với đó, BIDV cũng công bố tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các đối tượng, lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đầu tư kể từ ngày hôm nay, với mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND các đối tượng ưu tiên theo quy định của NHNN; Áp dụng mức lãi suất tối đa 6%/năm (thấp hơn so với quy định 0,5%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, ngân hàng còn áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung...

Lãi suất khá cạnh tranh so với các nước trong khu vực

Chiều 7/7, NHNN đã ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7 tới. Sau khoảng thời gian dài hơn hai năm, thị trường mới đón nhận quyết định giảm đồng loạt các lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước. Đây là cơ sở để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Theo đó, nhà điều hành giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng.

Đồng thời, NHNN cũng cắt giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, để đưa ra quyết định giảm được lãi suất, ngân hàng đã rất nỗ lực. Tuy nhiên trong thời gian tới, để hiệu ứng chính sách được xuyên suốt phải đồng bộ các giải pháp: Thứ nhất, phải chỉ đạo quyết liệt trong xử lý nợ xấu vì nếu nợ xấu không giảm được thì cực kỳ khó giảm lãi suất. Thứ hai, phải tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động mới giảm lãi suất.

Dữ liệu thị trường cho thấy, với quyết định giảm lãi suất trên, lãi suất cho vay ở các ngân hàng của Việt Nam cũng khá cạnh tranh nếu so sánh với các nước trong khu vực. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp cách đây chưa lâu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã đưa ra con số lãi suất ở các nước trong khu vực như: Myanma lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm.

So sánh với các nước này thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-10,5%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3-4% ở mức tương đối hợp lý, nhất là với tương quan kinh tế vĩ mô hiện nay.

Đặc biệt, lần điều chỉnh giảm lãi suất này, NHNN không điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Nhìn nhận về động thái này, một chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng việc không điều chỉnh giảm lãi suất huy động cho thấy, NHNN cũng tránh xáo trộn ở phía người gửi tiền, lo xa cho việc giữ cân bằng dòng vốn vào các tổ chức tín dụng, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng vào những tháng cuối năm.

Nguyễn Hiền