1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng đồng loạt cảnh báo nạn lừa đảo khi rút tiền, thanh toán trên mạng

(Dân trí) - Thời gian gần đây, tình hình gian lận thẻ có xu hướng diễn biến phức tạp và gia tăng với nhiều hình thức mới. Vì vậy, các ngân hàng đã đưa ra cảnh báo và áp dụng nhiều phương thức bảo mật tốt nhất dành cho chủ thẻ.

Ngân hàng VPBank vừa đồng loạt gửi email khuyến cáo khách hàng cần bảo mật thông tin dành cho chủ thẻ để tránh bị lợi dụng. Theo đó, chủ thẻ không tiết lộ thông tin thẻ hay số PIN cho người khác; Che bàn phím khi thực hiện giao dịch tại máy ATM/POS và các thiết bị thanh toán thẻ khác.

Theo khuyến cáo của ngân hàng này, người dùng nhớ lấy lại thẻ sau mỗi giao dịch tại cửa hàng, không đưa thẻ cho thu ngân mang thẻ đi nơi khác quẹt thẻ.

"Tuyệt đối không cung cấp thông tin thẻ, thông tin mã giao dịch gửi qua điện thoại hoặc email (OTP) từ các đối tượng khả nghi hoặc chưa được xác thực như: Thư điện tử lạ, cuộc gọi lạ xưng danh là nhân viên ngân hàng, đối tác của ngân hàng; Tin nhắn từ người thân, bạn bè qua các trang mạng như facebook, zalo, viber…", VPBank nhấn mạnh.

Và để tránh bị lừa đảo, chủ thẻ cần thay đổi thường xuyên mật khẩu đăng nhập internet banking, mã PIN thẻ rút tiền.

mua hang online.jpg

Tránh bị lừa đảo, các ngân hàng khuyến cáo chủ thẻ cần thay đổi thường xuyên mật khẩu đăng nhập internet banking, mã PIN thẻ rút tiền.

Còn theo Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), thiết bị đánh cắp thông tin thẻ tại máy ATM được tội phạm sử dụng nhiều tại Việt Nam là thường lấy cắp dữ liệu trên dải từ phía sau thẻ (do thẻ ATM tại Việt Nam phần lớn là thẻ từ).

Các khu vực thường bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ như khe đọc thẻ, khu vực phía trên đối diện bàn phím hoặc ở ngay phía trên màn hình ATM hay bên trong thiết bị che bàn phím hoặc bàn phím ATM. Dấu hiệu bất thường, theo MSB, như bàn phím nhập mã PIN nhô cao, khi nhập PIN cảm giác có khoảng trống phía dưới.

Tại khu vực thường bị gắn thiết bị đánh cắp thông tin thẻ có các dấu hiệu khả nghi như: có vệt băng dính 2 mặt, keo dán quanh đầu đọc thẻ hoặc lỗ nhỏ tại các khu vực có thể nhìn thấy bàn phím như nóc máy ATM, hông màn hình ATM. Camera lấy cắp PIN còn có thể được giấu trong hộp đựng biên lai gần đó.

Do đó, chủ thẻ nên kiểm tra máy ATM trước khi giao dịch để kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường; Luôn dùng tay che khu vực bàn phím khi nhập mã PIN; Nên sử dụng dịch vụ thông báo số dư tự động qua SMS và nên thường xuyên kiểm tra tin nhắn để kịp thời và chủ động phát hiện giao dịch bất thường.

Đặc biệt "Tuyệt đối không gõ hoặc nhập thông tin ngân hàng điện tử vào đường link hay website lạ được gửi kèm sẵn trong email, tin nhắn gửi tới khách hàng".

Hay như theo ACB, khách hàng tuyệt đối không nhập OTP SMS, OTP Token (mã xác thực giao dịch dùng 1 lần được gửi qua tin nhắn, token), mật khẩu, tên truy cập giao dịch ngân hàng trực tuyến vào các link giả mạo ngân hàng, chuyển tiền quốc tế...

Hiện có một số trang web giả mạo đường link website của ngân hàng hoặc các kênh chuyển tiền quốc tế để lừa khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, mật khẩu giao dịch. Chủ thẻ cần thay đổi ngay mật khẩu, tên truy cập khi bị lộ, nghi ngờ bị lộ thông tin giao dịch ngân hàng trực tuyến; Không gửi, chia sẻ các thông tin như tên truy cập, mật khẩu, số thẻ tín dụng, số tài khoản ngân hàng, số CMND... qua mạng xã hội, diễn đàn hay các dịch vụ chat trên mạng...

An Hạ

bannerchan-bai-1520499512777326906926-15389023313932091006234.gif

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm