Ngân hàng dồn dập chia cổ tức, vì sao?

(Dân trí) - Một loạt ngân hàng công bố chia cổ tức, trong đó có ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ rất cao, từ 25-35%.

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) chia cổ tức năm 2020 với tỷ lệ 12% bằng cổ phiếu. Đại diện ngân hàng cho biết, nguồn vốn thực hiện được lấy từ lợi nhuận năm 2020.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa có nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 13/7 để lấy ý kiến bằng văn bản về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Thông tin này gây bất ngờ với nhà đầu tư, bởi trong phiên họp đại hội cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 4, các cổ đông ngân hàng đã đồng thuận việc không chia cổ tức 2020 mà giữ lại khoản lợi nhuận 8.851 tỷ đồng, còn sau trích quỹ bắt buộc để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Ngân hàng dồn dập chia cổ tức, vì sao? - 1

Một loạt ngân hàng công bố chia cổ tức, trong đó có ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ rất cao, từ 25-35% (Ảnh minh họa).

Theo thông tin từ VietinBank, ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế và trích lập các quỹ của năm 2017, 2018 cùng phần lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo quy định và chia cổ tức tiền mặt của năm 2019. Tổng tỷ lệ cổ tức chi trả cho 3 năm này hơn 29%.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa thông báo cho biết đã nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). MB sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 35%, tăng vốn điều lệ thêm 9.795 tỷ đồng lên hơn 38.600 tỷ đồng.

Các ngân hàng nhỏ cũng dồn dập triển khai kế hoạch chia cổ tức thời gian gần đây. Ví dụ như SeABank thông qua việc triển khai phát hành 110,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 9,12% để trả cổ tức; OCB sẽ phát hành gần 274 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu là 25%, để tăng vốn điều lệ từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng; SHB đã phát hành hơn 175 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 10%...

Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, theo đánh giá của giới chuyên gia, sẽ giúp ngân hàng tăng được vốn điều lệ, có nguồn vốn bổ sung cho hoạt động kinh doanh.

Điển hình như với VietinBank, sau khi hoàn thành chia cổ tức, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm 10.824 tỷ đồng, nâng mức vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.058 tỷ đồng.

Hay như với LienVietPostBank, sau khi hoàn thành việc chi trả cổ tức này, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các đợt tăng vốn theo kế hoạch đã được đại hội cổ đông thường niên phê duyệt để tăng vốn điều lệ lên mức hơn 15.700 tỷ đồng thông qua các hoạt động: Phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên gần 10%, phát hành cho cổ đông hiện hữu 265 triệu cổ phiếu...

Trên thực tế, khi đối chiếu với những chuyển động trên thị trường có thể thấy các kế hoạch tăng vốn của ngân hàng cũng góp phần tạo nên sóng tăng giá của cổ phiếu ngân hàng thời gian qua.

Trong báo cáo chiến lược tháng 6, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định rằng, ngành ngân hàng sẽ chứng kiến một chu kỳ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ trong năm nay, bất chấp dịch bệnh.

Theo đó, mức tăng trưởng được dự báo đạt khoảng 27% với 2 yếu tố chính: Một là chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm tác động của hậu quả dịch bệnh, duy trì mặt bằng lãi suất thấp cùng chính sách tiền tệ nới lỏng; hai là các yếu tố được thúc đẩy bởi dịch bệnh, ví dụ xu hướng cắt giảm mạnh chi phí.

Cũng theo VDSC, những thông tin liên quan tới việc phê duyệt hạn mức tín dụng mới tại một loạt ngân hàng tư nhân (sau khi những ngân hàng này đã chạm mức trần tín dụng cho phép), các kế hoạch phát hành thêm, chia cổ tức để tăng vốn điều lệ, đặc biệt ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối, sẽ là những yếu tố tác động tới lợi nhuận của các ngân hàng trong thời gian tới.

Theo dự báo của FiinGroup, năm nay, lợi nhuận kế toán của 12/26 ngân hàng niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối ngân hàng) sẽ tăng cao hơn so với năm 2020 (18,2% so với 14,9%). Triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng và dịch vụ, trong đó mảng bán chéo bảo hiểm của nhiều ngân hàng lớn được kỳ vọng cao.