"Chóng mặt" với độ bạo chi cổ tức của doanh nghiệp "không sợ" Covid-19

Mai Chi

(Dân trí) - Tỉ lệ chia cổ tức năm 2019 của Bia Sài Gòn Sông Tiền là 347,6%; của Bến xe Miền Tây là 516%; của FPT Online là 150% bằng tiền mặt... Vậy, có dễ để sở hữu cổ phần ở các doanh nghiệp này?

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đại chúng đã công bố lịch chia cổ tức năm 2019 cho cổ đông, một số doanh nghiệp đã bắt đầu hoàn tất các đợt chia cổ tức như cam kết.

Hoạt động chia cổ tức diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do Covid-19, tuy vậy, không ít doanh nghiệp vẫn “giữ lời hứa” và thậm chí còn chia cổ tức với tỉ lệ gây sốc.

Chóng mặt  với độ bạo chi cổ tức của doanh nghiệp không sợ Covid-19 - 1

Nhiều doanh nghiệp gần như dốc hết lợi nhuận để chia cổ tức (ảnh có tính minh hoạ)

Cổ tức chót vót nhưng… ngoài tầm với của nhà đầu tư

Ví dụ gần nhất là thông báo của Công ty Thương mại Bia Sài Gòn Sông Tiền (mã chứng khoán trên UPCoM: SST) cho hay, doanh nghiệp này sẽ chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ lên tới 347,6%.

Điều này có nghĩa là cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu thì sẽ được nhận 34.760 đồng. Với 4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến, SST sẽ phải dự chi 139 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông.

SST thông báo, ngày đăng ký cuối cùng để lập danh sách người sở hữu cho chứng khoán là vào 28/8 và thời gian thực hiện dự kiến 15/9/2020.

Trong năm 2019, SST ghi nhận doanh thu thuần đạt 5.082,2 tỷ đồng, tăng gần 21% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế tăng gần 61% lên con số 146,9 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu lên tới 34.937 đồng.

SST có truyền thống chia cổ tức cao chót vót: Cụ thể, tỉ lệ chia cổ tức tiền mặt trong năm 2016 là 235%; năm 2017 là 239%, năm 2018 là 207%.

Trong năm 2020, mặc dù đối mặt với khó khăn chưa từng có do Covid-19 và ảnh hưởng của Nghị định 100 nhưng công ty này vẫn dự kiến sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 194,6%. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế ở mức 84,76 tỷ đồng, giảm 42,32% so với năm 2019.

Tiền thân của SST là chi nhánh của Tổng công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), được chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần từ 17/3/2006. Đến tháng 7/2018, cổ phiếu SST được chấp thuận đăng ký giao dịch trên UPCoM với khối lượng chứng khoán 4 triệu cổ phiếu, thế nhưng đến nay, mã này vẫn chưa chính thức gia nhập thị trường.

Chính bởi cổ phiếu SST chưa chính thức giao dịch trên UPCoM nên dù nhà đầu tư quan tâm và muốn “săn” cổ tức nhưng vẫn khó có cơ hội mua vào.

Dốc hết lãi trả cổ tức

Tuy vậy, SST chưa phải là doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức cao nhất. Hồi trung tuần tháng 6, Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (mã chứng khoán trên HNX: WCS) đã gây “choáng” khi trình phương án chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 516% (mỗi cổ phiếu nhận được 51.600 đồng tiền mặt).

Nguồn tiền chia cổ tức được doanh nghiệp này cho biết lấy từ lãi sau thuế năm 2019 và lãi chưa phân phối của các năm trước.

Với 2,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, WCS phải dự chi khoảng 64,5 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông. Năm 2019, WCS lãi sau thuế 68,65 tỷ đồng, như vậy, gần như doanh nghiệp này đã dốc gần hết số lãi của năm 2019 để phân phối cổ tức.

Theo kế hoạch, WCS chia cổ tức làm 2 đợt với số tiền bằng nhau vào ngày 31/7/2020, còn lại vào ngày 1/10/2020.

Hồi đầu tháng 7, WCS đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 258% (tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 25.800 đồng).

Trước đó, WCS cũng đã thanh toán cổ tức tiền mặt năm 2018 với tỉ lệ “sốc” lên tới 400% (mỗi cổ phiếu nhận 40.000 đồng).

Cũng như các doanh nghiệp khác, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của WCS. Theo ghi nhận tại phiên họp ĐHĐCĐ hồi tháng 6, ban lãnh đạo công ty này cho biết, doanh thu lợi nhuận trong các tháng 2, 3, 4 bị suy yếu rõ rệt so cùng kỳ, thậm chí có thời điểm bến xe phải dừng hoạt động (3 tuần đầu tháng 4).

Do đời sống khó khăn và tâm lý hành khách còn e ngại nên lượng xe và khách qua bến sau khi dỡ bỏ cách lý vẫn còn thấp. Trong tháng 5, lượng khách bình quân qua bến là 19.000 khách/ngày (giảm 40% so với ngày bình thường năm 2019); xe bình quân xuất bến là 960 xe/ngày (giảm 30% so với ngày bình thường năm 2019).

Do vậy, WCS dự kiến trong năm nay, doanh thu sẽ bị giảm 17% so với năm 2019 còn 130 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 22% còn 54 tỷ đồng. Kế hoạch chia cổ tức của WCS theo đó cũng khiêm tốn hơn hẳn, tối thiểu là 20%.

WCS hiện đang là một trong những mã cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường chứng khoán. Hồi giữa tháng 6, có thời điểm mã này đạt mức giá 208.600 đồng. Đến nay, mức giá của WCS đã thấp hơn nhưng vẫn chót vót ở 193.500 đồng.

Ngoài hai doanh nghiệp được điểm danh ở trên, thị trường chứng khoán vẫn còn có những doanh nghiệp rất hào phóng trong việc chi tiền “khủng” để chia cổ tức như Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (mã chứng khoán trên UPCoM: NTC) dùng 160 tỷ đồng chia cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 100% vốn điều lệ) và trong năm 2020 cũng dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ tối thiểu 80% vốn điều lệ. Cổ phiếu NTC hiện có mức giá 214.600 đồng (giá đóng cửa phiên 20/8).

Hay Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (Saigon Cargo Service - mã chứng khoán trên HSX: SCS) cũng chia cổ tức năm 2019 với tổng tỉ lệ 80% bằng tiền mặt. SCS đang có thị giá 114.500 đồng.

Một ví dụ khác là Công ty cổ phần Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online - mã chứng khoán trên UPCoM: FOC) cũng chia cổ tức năm 2019 ở mức “khó tin”: tỷ lệ 150% bằng tiền mặt và 25% bằng cổ phiếu.

Trước đó, công ty này từng chia cổ tức năm 2018 tỷ lệ 130% bằng tiền mặt. Năm 2020 với tình hình kinh doanh khó khăn hơn nhưng FOC vẫn dự kiến sẽ chia cổ tức tối thiểu 50%. Giá cổ phiếu FOC hiện là 104.100 đồng.

Điểm chung của những doanh nghiệp có cổ tức siêu khủng này là thanh khoản thấp, thị giá thường “neo” ở mức cao nên nhà đầu tư nhỏ lẻ khó tiếp cận.