1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Ngân hàng “chê” ngoại tệ

Trên thế giới hiện có khoảng 100 loại ngoại tệ khác nhau nhưng ngân hàng (NH) hiện chỉ mua vào ở khoảng 10 loại như USD, Euro, đô la Hồng Kông, Yen Nhật, đô la Canada, đô la Úc, đô la Singapore, baht Thái Lan...

Ngân hàng “chê” ngoại tệ - 1
Đồng USD được nhiều ngân hàng muốn mua nhất.
 
Sáng 26/4, bà Trang (Q.Gò Vấp, TP.HCM) liên hệ NH TMCP Á Châu (ACB) Gò Vấp để bán 400 bảng Anh nhưng cô nhân viên từ chối mua. Qua NH Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam gần đó, nhân viên NH cũng từ chối mua và chỉ bà ra bán ở... tiệm vàng.

 

Bà Trang bức xúc: “Vừa qua, công an bắt một vài vụ mua bán ngoại tệ trái phép. Vì sợ nên tôi đem ngoại tệ vào NH bán nhưng NH chê không mua thì tôi biết làm sao”.

 

Sáng 27/4, chúng tôi ghé NH Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trên đường Quang Trung, nhân viên ở đây cho biết không mua bảng Anh và chỉ chúng tôi sang NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bán vì NH đó thu loại ngoại tệ này.

 

Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB - cho biết, đối với bảng Anh, ACB chỉ mua chuyển khoản, chứ không mua tiền mặt. Có một số loại ngoại tệ, thỉnh thoảng mới có khách hàng bán nên NH không mua vào. Hiện nay, ACB chỉ mua vào 5 loại ngoại tệ là USD, yen Nhật, Euro, đô la Úc, đô la Singapore.

 

Trên thế giới hiện có khoảng 100 loại ngoại tệ khác nhau nhưng NH hiện chỉ mua vào ở khoảng 10 loại như USD, Euro, đô la Hồng Kông, Yen Nhật, đô la Canada, đô la Úc, đô la Singapore, baht Thái Lan... Điều này dẫn đến tình trạng, khi cá nhân đi nước ngoài có xu hướng mua USD hơn là mua các ngoại tệ khác. Như vậy đã tạo áp lực nhu cầu lên USD và NH không thể đáp ứng được.

 

Trong một lần gặp gỡ báo chí trao đổi về vấn đề đáp ứng ngoại tệ cho người dân, ông Trần Phương Bình - Tổng giám đốc NH TMCP Đông Á (DongABank) - cho biết, NH hiện nay chủ yếu mua ngoại tệ trên thị trường, chỉ khi nào NH chi một lượng kiều hối lớn thì mới nhập ngoại tệ về. Trong thời gian qua, cá nhân bán lại kiều hối cho NH không được nhiều do dịch vụ kiều hối ngày càng cạnh tranh. Các đơn vị kiều hối phát triển dịch vụ giao tận nhà.

 

Một phó tổng giám đốc NH cổ phần ngạc nhiên khi một số NH không mua vào bảng Anh bởi đồng tiền này được coi là ngoại tệ mạnh. Theo ông, người dân cần lưu ý trên bảng giá công bố ngoại tệ hằng ngày của NH đưa ra, nếu cột mua không để giá, điều đó có nghĩa NH không mua loại ngoại tệ đó.

 

Ông Đào Hồng Châu - Phó tổng giám đốc NH TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) - khuyên người dân khi đi nước ngoài cần tìm hiểu xem đồng tiền ngoại tệ của nước đó có được các NH trong nước mua lại hay không. Trường hợp NH trong nước không mua lại thì khi về lại Việt Nam, các đồng tiền này chỉ mang tính lưu niệm. Do đó, người dân có thể đổi ngoại tệ tại cửa khẩu sân bay trước khi về Việt Nam.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM (NHNN), cho biết: “NH chỉ mua những ngoại tệ tự do chuyển đổi. Chỉ có NH thương mại mới mua ngoại tệ của cá nhân, NHNN không có chức năng này. Do đó, chúng tôi sẽ làm việc lại với các NH về vấn đề này”.

 

Gần đây, nhiều bạn đọc thắc mắc về việc kiều bào ở nước ngoài nhận được thông tin khi về Việt Nam phải bán lại toàn bộ ngoại tệ cho NH và không được phép mang ngoại tệ ra nước ngoài. Theo NHNN chi nhánh TP.HCM, cho đến nay hoàn toàn không có quy định nào như vậy. Kiều bào khi mang ngoại tệ vào Việt Nam trên 7.000 USD hoặc ngoại tệ khác tương đương (hiện nay đang có dự thảo giảm xuống còn 5.000 USD hoặc ngoại tệ khác tương đương) thì làm tờ khai hải quan. Khi rời khỏi Việt Nam, cá nhân có quyền mang theo ngoại tệ không vượt số ngoại tệ trên tờ khai hải quan.

 

Theo Thanh Xuân

Thanh Niên