Ngân hàng cấp thông tin tài khoản khách cho cơ quan thuế: Lo áp dụng tuỳ tiện
(Dân trí) - VCCI cho rằng, nếu quy định mở như tại Dự thảo Luật Quản lý thuế hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa góp ý kiến về Dự thảo Luật Quản lý thuế, trong đó có nội dung về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc quản lý thuế.
Dự thảo hiện quy định NHTM có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế. Các thông tin này bao gồm: Thông tin về mở tài khoản; số tài khoản; nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản; mã số thuế của người nộp thuế.
VCCI cho rằng, quy định này là chưa bảo đảm tính minh bạch ở chỗ không rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu NHTM cung cấp các thông tin này và căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì.
"Nếu quy định mở như hiện nay thì có khả năng hiểu theo nhiều cách khác nhau, việc áp dụng có thể rất tùy tiện trên thực tế", VCCI đánh giá.
Theo VCCI, quan hệ giữa NHTM và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, NHTM cần phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm NHTM không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu này của cơ quan quản lý thuế.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị quy định rõ cấp có thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế trong việc ra yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin.
Đối với mã số thuế khách hàng, VCCI cho rằng: "Không hiểu tại sao cơ quan quản lý thuế lại yêu cầu NHTM cung cấp thông tin này trong khi đây là cơ quan chủ quản? Không phải trong mọi người hợp khách hàng của NHTM cũng có mã số thuế vì vậy yêu cầu như vậy là không bảo đảm tính khả thi".
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định NHTM ”trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế”.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng cho rằng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, Luật phòng chống rửa tiền và các quy định về tài khoản theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thì các NHTM chỉ có thể chuyển tiền nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Cụ thể trong trường hợp: Nhận được văn bản cưỡng chế thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trong thời hạn cưỡng chế thuế, trong tài khoản của khách hàng còn tiền mà không bị phong tỏa bởi các bên cầm cố, thế chấp; Hết thời hạn thi hành cưỡng chế thuế, tài khoản của khách hàng phát sinh tiền thì NHTM cũng không thể chuyển tiền cho ngân sách nhà nước được, nếu không NHTM sẽ phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng.
Do vậy, VCCI đề xuất Ban soạn thảo bổ sung các trường hợp mà các ngân hàng thương mại được loại trừ trách nhiệm, thống nhất với quy định của pháp luật ngân hàng.
Phương Dung