Ngân hàng cạnh tranh gay gắt về thị phần

Thị trường bán lẻ đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của hơn 100 tổ chức tín dụng, đặc biệt là của 48 ngân hàng thương mại và 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, hiện hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam khá đầy đủ, bao gồm 48 ngân hàng thương mại, 2 ngân hàng chính sách, 53 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 28 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 2 tổ chức tài chính vi mô và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân gồm 1 ngân hàng hợp tác xã và 1.414 quỹ cơ sở.

Trong quá trình phát triển, dịch vụ bán lẻ được đánh giá là xu hướng tất yếu. Hiện nay, thị trường bán lẻ đã và đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt của các ngân hàng tại Việt Nam. Mặc dù chỉ mới phát triển ở giai đoạn đầu nhưng ngành này đã và đang góp phần đáng kể vào tăng tưởng kinh tế của đất nước. Trung bình mỗi năm, các nhà bán lẻ đóng góp vào GDP của cả nước khoảng 14%. Đến năm 2014, mức đóng góp của ngành này vào GDP sẽ tăng lên mức 23%. Nhất là trong bối cảnh, dân số nước ta đã lên đến 90 triệu người, lại chủ yếu là dân số trẻ, 70% thu nhập dành cho mua sắm.

Trước tiềm năng lớn này, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đều hướng tới phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Điều này được thể hiện trong các kế hoạch cơ cấu lại ngân hàng, cổ phần hóa ngân hàng. Sau năm 2015, thị trường bán lẻ còn được đánh giá là thị trường chủ đạo mà các ngân hàng nước ngoài sẽ khai thác mạnh sau khi đã đặt chân vững chắc vào thị trường Việt Nam. 


LienVietPostBank đẩy mạnh chương trình chăm sóc khách hàng.
LienVietPostBank đẩy mạnh chương trình chăm sóc khách hàng.

Đại diện Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, các ngân hàng đang có sự canh tranh gay gắt trong việc phát triển thị trường bán lẻ. Trong đó, các ngân hàng áp dụng nhiều “chiêu trò” để thu hút khách hàng về phía mình. Điểm có thể dễ dàng nhận thấy trong cuộc chạy đua này là cạnh tranh thông qua lãi suất, với việc ngân hàng áp dụng chính sách lãi suất gửi tiết kiệm cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước hoặc hạ lãi suất khi cho vay; cũng như không ngừng cải tiến về công nghệ, dịch vụ để phục vụ khách hàng.

Tại LienVietPostBank, ngân hàng này đang triển khai chương trình chăm sóc khách hàng toàn diện với tên gọi Đại sứ LienVietPostBank. Đây là một trong số các hoạt động trong chiến lược tạo lợi thế cạnh tranh của LienVietPostBank trên thị trường. Qua những con số về tăng trưởng cho thấy chương trình đã đạt được những hiệu quả nhất định, thể hiện ở sự quan tâm, hưởng ứng của Khách hàng đối với chương trình.

Thống kê cho biết, trong 3 tháng đầu triển khai, trung bình mỗi tháng có khoảng 5.000 khách hàng được Đại sứ LienVietPostBank tặng điểm vì thực hiện giới thiệu Khách hàng mới cho Ngân hàng, và khoảng hơn 20.000 Khách hàng được tặng điểm nhân dịp sinh nhật. Đặc biệt, thể lệ chương trình Đại sứ LienVietPostBank quy định khách hàng không bị giảm hạng (không bị giảm tỷ lệ nhận điểm) ngay cả khi Khách hàng không phát sinh giao dịch, do đó tổng điểm có thể đổi quà của chương trình giữa các tháng luôn có sự tăng trưởng mạnh, đạt mức xấp xỉ 50%. Đây là điểm khác biệt của chương trình Đại sứ LienVietPostBank được Khách hàng rất yêu thích.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mặc dù thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam mới chỉ có quá trình hình thành và phát triển hơn 20 năm nhưng số lượng khách hàng tăng lên nhanh chóng, từ dưới 10% (năm 2008) lên trên 20% tổng dân số cả nước; nền tảng công nghệ hiện đại đang được ứng dụng rộng rãi.

Trong đó, ngày càng nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ hiện đại với chi phí lớn và diện phủ sóng rộng cho các giao dịch như: internet banking, phone banking, mobile banking… Cùng với đó, mạng lưới ngân hàng bán lẻ được mở rộng, các dịch vụ ngày càng đa dạng, đồng đều hơn…

Tuy nhiên, dịch vụ ngân hàng bán lẻ của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại như: các ngân hàng chưa xây dựng được chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ nhằm tạo ra hình ảnh riêng biệt và hiệu quả; sản phẩm của ngân hàng bán lẻ chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng; lợi thế cạnh tranh giữa các ngân hàng còn đơn điệu, chủ yếu nhờ mở rộng mạng lưới và cạnh tranh về giá cả, cạnh tranh về chất lượng dịch vụ và công nghệ chưa phổ biến.

Theo Thạc sỹ Phạm Thu Thủy, Học viện Ngân hàng, một trong những công việc mà ngân hàng phải làm để thu hút khách hàng, trở thành ngân hàng bán lẻ là: “cần tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình bằng cách “khách hàng hóa” sản phẩm nhiều hơn. Việc tạo sự khác biệt cần tiến hành thường xuyên, bởi các sản phẩm ngân hàng thường dễ sao chép”.

Ngoài ra, các ngân hàng nên chú trọng tạo sự khác biệt thông qua việc xây dựng văn hóa kinh doanh mang bản sắc riêng. Và đặc biệt, các ngân hàng cần xác định rõ ràng hơn phân khúc thị trường mục tiêu…

Hương Trà