Ngân hàng bị thúc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách, cấm gây phiền hà
(Dân trí) - Các ngân hàng cần khẩn trương triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định Thông tư 02, nghiêm cấm hành vi gây khó khăn, phiền hà, thêm điều kiện, thủ tục khác quy định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mới đây ban hành Chỉ thị số 02. Chỉ thị nhằm đốc thúc các ngân hàng triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023 được ban hành ngày 23/4/2023.
Cụ thể, văn bản nhấn mạnh các ngân hàng cần tập trung thực hiện những giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô. Song song đó, các nhà băng cần tập trung tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh và các động lực tăng trưởng nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
"Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, cắt giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay", văn bản nêu.
Song song đó, các ngân hàng cần triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023 đồng bộ, thống nhất. Quá trình triển khai đảm bảo có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các đơn vị và sự đồng tình phối hợp thống nhất của khách vay vốn để nâng cao hiệu quả thực thi chính sách.
Các ngân hàng cũng cần đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. "Đảm bảo chất lượng tín dụng, đảm bảo khách quan, đúng bản chất của nợ xấu", văn bản nêu rõ.
Các bên cần khẩn trương ban hành và triển khai thực hiện ngay quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02. Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các hành vi gây khó khăn, phiền hà, ban hành thêm điều kiện, thủ tục khác với quy định.
Thông tư 02 ban hành trước đó cho phép gia hạn thời gian trả nợ cho khách hàng đến hết 30/6/2024. Các khách hàng cũng được giữ nguyên nhóm nợ (không nhảy nhóm nợ).
Các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được toàn quyền xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu nợ. Thời gian cơ cấu không vượt quá 12 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn.
Sau khi cơ cấu, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro theo lộ trình. Trong đó, dự phòng phải trích bổ sung với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn được thực hiện theo hai giai đoạn, tối thiểu 50% vào ngày 31/12/2023 và trích dự phòng thêm cho đủ 100% cuối năm 2024.
Chính sách cơ cấu nợ từng được ban hành trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 và kết thúc cuối tháng 6/2022. Với thông tư mới, đây là lần thứ 2 trong 3 năm Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay.