1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh nghiệp khó khăn có thể được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ

Thảo Thu

(Dân trí) - Doanh nghiệp dự kiến được ngân hàng lùi hạn trả nợ, không bị chuyển nhóm nợ đến hết 31/12 năm nay. Đây có thể là lần thứ 2 Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư cho phép ngân hàng cơ cấu lại hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, hỗ trợ khách hàng khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Theo dự thảo lần này, ngân hàng thương mại được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ gốc và/hoặc lãi của khoản vay, dựa trên đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài .

Tuy nhiên, việc cơ cấu nợ phải đáp ứng nhiều điều kiện.

Khoản nợ này phải phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Nghĩa vụ trả gốc hoặc lãi cũng phải phát sinh từ ngày Thông tư có hiệu lực đến cuối năm 2023.

Khách hàng muốn được cơ cấu nợ cũng phải được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Ngoài ra, nhà băng sẽ chỉ cơ cấu nợ nếu khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ khi được cơ cấu lại.

Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) được xác định phù hợp với mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của khách hàng, không vượt quá 12 tháng kể từ ngày đến hạn của số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Việc cơ cấu nợ chỉ được thực hiện đến hết 31/12/2023.

Các khách hàng được cơ cấu lại hạn trả cũng sẽ được giữ nguyên nhóm nợ.

Doanh nghiệp khó khăn có thể được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ - 1

Chính sách cơ cấu nợ từng được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19 nhưng đã kết thúc cuối tháng 6/2022 (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Về phía ngân hàng, nhà điều hành yêu cầu phải thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ theo lộ trình (trích lập 100% như trường hợp chuyển nhóm nợ sau khi cơ cấu). Điều này nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, đồng thời giúp khách hàng có thời gian để tháo gỡ khó khăn, sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp và có thời gian thu xếp nguồn tiền trả nợ, phù hợp trong điều kiện thực tế hiện nay.

Tháng 9/2021, Ngân hàng Nhà nước từng ban hành Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng đã hết hiệu lực từ tháng 6/2022.

Đây sẽ là lần thứ 2 Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay nếu Thông tư lần này được thông qua.