Đắk Lắk:

Ngăn chặn "tranh mua, tranh bán", phá vỡ liên kết ngành hàng sầu riêng

Thúy Diễm

(Dân trí) - Với nhiều cơ hội và cả thách thức khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đề nghị phải lường được khó khăn và có chiến lược phát triển bền vững ngành hàng.

Kinh doanh, mua bán sầu riêng là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia (!)

Ngày 11/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức diễn đàn "Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam".

Ngăn chặn tranh mua, tranh bán, phá vỡ liên kết ngành hàng sầu riêng - 1

Việt Nam có khoảng 110.000ha sầu riêng, riêng Đắk Lắk có 28.000ha (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam có khoảng 110.000ha sầu riêng, tổng sản lượng khoảng 900.000 tấn, tập trung chủ yếu tại Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Giá trị xuất khẩu sầu riêng năm nay dự kiến đạt 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, hiện tượng tranh mua, tranh bán, loạn giá, bẻ cọc, bỏ hợp đồng, phá vỡ chuỗi liên kết đang diễn ra ở các vùng trồng sầu riêng trong cả nước, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên, dẫn đến vi phạm các quy định của nhà nước về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn.

Diễn đàn thực trạng tiêu thụ sầu riêng được tổ chức tại Đắk Lắk để cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, nhà vườn, các hợp tác xã, thương lái cùng "ngồi với nhau".

Qua đó, thẳng thắn nhìn vào hạn chế, tồn tại của ngành hàng sầu riêng để cùng hành động, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định, pháp luật nhằm bảo vệ thương hiệu và ngành hàng sầu riêng Việt Nam.

Ngăn chặn tranh mua, tranh bán, phá vỡ liên kết ngành hàng sầu riêng - 2

Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vừa là cơ hội và thách thức của ngành nông nghiệp (Ảnh: Thúy Diễm).

Phát biểu trực tuyến tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, đó là cơ hội lẫn thách thức. Đây không phải chuyện lạ bởi trước đó đã từng có nhiều ngành hàng đã rơi vào bi kịch.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần phải lường trước những thách thức, đẩy mạnh chiến lược phát triển "hợp tác, liên kết, thị trường", ngành nông nghiệp phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng sản xuất, tiêu thụ, giữa nông dân với doanh nghiệp, thị trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT lưu ý, sự liên kết phải bền vững, không phải đợi đến mùa vụ thu hoạch sầu riêng mới liên hệ đến, mà ngay khi nông dân chọn giống sầu riêng về trồng, cần sự liên hệ chặt chẽ của doanh nghiệp, chính quyền để tạo niềm tin.

Ngoài ra, Bộ trưởng chỉ ra tầm quan trọng của mã số vùng trồng trong xuất khẩu và đó sẽ là yêu cầu bắt buộc, tránh tình trạng trồng sầu riêng nhỏ lẻ, tự phát.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, việc kinh doanh, buôn bán, xuất khẩu sầu riêng sẽ không chỉ "thuận mua, vừa bán" mà đó còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia.

Muốn sầu riêng phát triển, đi xa phải "đi cùng nhau"

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk - cho biết, tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 28.000 ha sầu riêng, trong đó có khoảng 50% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng năm nay ước tính trên 200.000 tấn.

Ngăn chặn tranh mua, tranh bán, phá vỡ liên kết ngành hàng sầu riêng - 3

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, nói về sự cần thiết liên kết trong phát triển bền vững sầu riêng (Ảnh: Thúy Diễm).

"Trái sầu riêng muốn tạo thị trường bền vững, mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần "đi cùng nhau" trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng", Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, nhấn mạnh.

Trao đổi về tình hình thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua sầu riêng, ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk - cho biết, qua phản ánh việc mua bán sầu riêng giữa người dân và doanh nghiệp, HTX theo hình thức, đặt cọc (khoảng 30% giá trị vườn) cách thời điểm thu hoạch 2-3 tháng bằng các ký hợp đồng mua bán theo quy cách.

Bên cạnh đó, có hình thức người dân chốt giá với các doanh nghiệp khác ngay tại thời điểm cây sầu riêng bắt đầu ra hoa... hoặc việc một số đối tượng môi giới vào tận vườn người dân chốt giá rất cao, 80.000-90.000 đồng/kg, mục đích gây nhiễu loạn thị trường.

Từ đó, ông Côn chỉ ra tầm quan trọng của công tác truyền thông đến nông dân, doanh nghiệp đối với sản xuất, thu mua sầu riêng và phải kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số vùng trồng không đúng mục đích.

Đồng thời, tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý - doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn.

Phải quản lý tốt mã số vùng trồng

Đến nay, cả nước có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu.

Ngăn chặn tranh mua, tranh bán, phá vỡ liên kết ngành hàng sầu riêng - 4

Ông Nguyễn Hữu Chiến - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông - cho rằng có rất nhiều thương lái không thèm quan tâm đến mã số vùng trồng của sầu riêng (Ảnh: Thúy Diễm).

Ông Nguyễn Hữu Chiến - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (huyện Krông Búk) - bày tỏ lo lắng về vấn đề cấp, quản lý mã số vùng trồng.

Ông Chiến nêu dẫn chứng, HTX của ông có khoảng 50ha sầu riêng với sự liên kết của gần 30 hộ dân. Đến nay, đơn vị mới chỉ bán khoảng 20% sản lượng sầu riêng và số còn lại đang được thu hoạch. Điều ông băn khoăn là nhiều doanh nghiệp cạnh tranh nhau để mua bằng được sầu riêng.

"Có tình trạng doanh nghiệp ra giá mua của nông dân, sẽ có doanh nghiệp khác cạnh tranh trả cao hơn 2 giá (cao hơn 2.000 đồng/kg - PV) để mua bằng được. Thậm chí nhiều thương lái hỏi mua sầu riêng mà không quan tâm đến mã số vùng trồng, khi được hỏi thì nhận được trả lời việc mua bán mã vùng trồng rất dễ", Giám đốc HTX nêu thực trạng.

Ngăn chặn tranh mua, tranh bán, phá vỡ liên kết ngành hàng sầu riêng - 5

Sầu riêng cần được bảo vệ thương hiệu, bảo vệ mã số vùng trồng (Ảnh: Thúy Diễm).

Bà Nguyễn Thị Thu Hương -  Phó cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật - cho rằng, yêu cầu chung của thị trường các nước, trong đó có Trung Quốc, yêu cầu về vùng trồng phải đăng ký, phải quản lý được sinh vật gây hại, được sản xuất theo quy trình đầy đủ có sự giám sát của cơ quan quản lý, đảm bảo hồ sơ truy xuất nguồn gốc.

Bà Hương mong muốn Bộ NN&PTNT chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện xây dựng nghị định, quy định để làm tốt công tác quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói chính thức vào sử dụng.

"Những đơn vị, cơ sở vùng trồng nếu phát hiện có trường hợp mạo danh mã số vùng trồng, cần báo cáo ngay với chi cục bảo vệ thực vật địa phương để có giải pháp ngay. Không ai bảo vệ thương hiệu tốt hơn chính mình", bà Hương nhấn mạnh.